Lớp học tình thương cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Giờ học của các em học sinh lớp học tình thương. Hai dì Nguyễn Thị Ba (dì Ba), Nguyễn Thị Thảo (dì Sáu) từ nhỏ sống trong nhà Dòng Chúa Quan Phòng (Thiên chúa giáo) phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ phụ trách giảng dạy và chăm sóc các em ở lớp học tình thương. Ở đây, các em được miễn phí hoàn toàn từ sách giáo khoa, đồ dùng học tập đến bữa ăn trưa tại lớp; được các dì thương yêu, đùm bọc, chăm lo, dạy dỗ như con cháu của chính các dì vậy.Lớp tình thương học từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần vào buổi sáng. Phần đông các em đều sinh sống trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, được học từ lớp 1 đến lớp 5, theo chương trình sách giáo khoa của ngành giáo dục. Hầu hết các em trước khi đến với lớp học đều không biết viết, biết đọc. Do đó, việc bố trí lớp học cũng khá phức tạp, có những em đã 11, 12 tuổi học chung với các em sáu, bảy tuổi.Trò chuyện với...
Giờ học của các em học sinh lớp học tình thương. |
Lớp tình thương học từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần vào buổi sáng. Phần đông các em đều sinh sống trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, được học từ lớp 1 đến lớp 5, theo chương trình sách giáo khoa của ngành giáo dục. Hầu hết các em trước khi đến với lớp học đều không biết viết, biết đọc. Do đó, việc bố trí lớp học cũng khá phức tạp, có những em đã 11, 12 tuổi học chung với các em sáu, bảy tuổi.
Trò chuyện với chúng tôi, các dì tâm sự: Lớp học này có từ năm 2006, nằm trong khuôn viên Trường mầm non tư thục Sao Mai, được tổ chức từ thiện “Hãy lớn lên và trưởng thành” của Pháp tài trợ mỗi tháng hai triệu đồng dùng để mua sách vở, đồ dùng học tập và tiền ăn trưa. Ngoài ra, các sơ trong nhà dòng còn vận động các nhà hảo tâm, phụ huynh của các cháu trong Trường Sao Mai ủng hộ thêm vật chất, đồ dùng học tập, sách vở và quần áo để giúp đỡ các em. Ban đầu, lớp học rất ít, chỉ có năm em đến học, số lượng tăng dần hằng năm, hiện nay là 36 em. Trong đó có bảy em đang học ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản, được ba mẹ gửi vào học ở lớp tình thương ngoài giờ học trường chính. Đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn, không có nhà ở, phải ở nhà trọ, cha mẹ ly dị, bỏ đi hoặc mồ côi, không có giấy khai sinh, hộ khẩu, các em phải sống nương tựa vào người thân.
Chúng tôi gặp em Thạch Hồ Vĩ 12 tuổi, học lớp 3 và em Thạch Cẩm Nhung bảy tuổi, học lớp 1 là hai anh em ruột. Mẹ bỏ đi lấy chồng, hai em phải sống với ba làm nghề bốc vác, thu nhập bấp bênh và còn phải nuôi ông nội năm nay đã ngoài 80 tuổi, không có hộ khẩu, không có nhà. Nhìn hai em người nhỏ thó, đen nhẻm. Ở độ tuổi như các em là tuổi ăn, tuổi học, nhưng em Vĩ thì phải lo kiếm tiền để phụ giúp ba trang trải cuộc sống. Buổi sáng đi học, trưa ăn cơm tại lớp, buổi chiều em đi lượm ve chai, mỗi ngày bán được khoảng 20 nghìn đồng. Thấy em vất vả, dì Ba xin cho đi bán ở quán cơm bình dân vừa có cơm ăn, mỗi buổi được chủ trả cho 25 nghìn đồng. Với em đó là số tiền quý giá thể hiện nghị lực vươn lên của cậu bé 12 tuổi. Ban đầu không biết đọc, biết viết nhưng sau hai năm học ở đây em đã biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản. Chúng tôi cũng gặp hai anh em Trần Văn Mơ 10 tuổi và Trần Thị Tiên tám tuổi, đều học lớp 1. Ba mẹ các em quê ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, làm nghề bán vé số dạo, thuê nhà trọ ở đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Lợi. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có tiền để lo cho hai em đi học ở trường công lập, đành phải xin đi học tại lớp tình thương; bản thân hai anh em sau giờ học, cũng tham gia bán vé số kiếm tiền để phụ giúp gia đình.
Mặc dù các em ở đây đều có hoàn cảnh éo le nhưng các em rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và khao khát vươn lên trong cuộc sống. Ngoài những môn học chính, các dì còn liên hệ với trung tâm ngoại ngữ ATLAS đóng trên địa bàn, dạy ngoại ngữ miễn phí cho 20 em mỗi tuần hai buổi. Những em đã học xong chương trình lớp 5 có nguyện vọng đi học nghề thì được các dì liên hệ với các cơ sở, cho các em làm quen với nghề yêu thích. Em Nguyễn Mỹ Linh, 14 tuổi ở phường Xuân Khánh, đã học xong chương trình lớp 5 được các dì xin cho đi học nghề may do nhà dòng mở. Em Nguyễn Như Quỳnh dự học khóa uốn tóc mỗi tuần hai buổi tại tiệm Kim Nhanh, đường 30-4, phường Hưng Lợi. Em Nguyễn Đình Minh 15 tuổi, mồ côi cha, học nghề sửa chữa xe máy tại tiệm Tâm, đường Mậu Thân, phường An Hội chia sẻ ước mơ cố gắng học nghề thật giỏi, sau này kiếm việc làm có thu nhập để ổn định cuộc sống và giúp đỡ gia đình.
Tuy lớp học còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, cũng như kiến thức chuyên môn của các dì nhưng đã phần nào giúp được các em không có cơ hội đến trường có một môi trường để học tập và rèn luyện, giúp các em có kiến thức, hành trang khi bước vào đời. Điều băn khoăn nhất của các dì là dù đã cố gắng giúp đỡ, dạy dỗ, truyền đạt kiến thức cho các em; nhưng điều kiện của lớp học chỉ giúp các em học hết chương trình lớp 5 và các em không thể học lên những lớp cao hơn… Những lớp học như thế này rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()