“Lớp học kết nối” - mô hình giáo dục hiện đại
– “Lớp học kết nối” là hình thức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp giữa các lớp học trong cùng 1 trường học hoặc các trường học trong và ngoài tỉnh, thậm chí là ở nước ngoài. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, 100% trường THPT đã thực hiện tốt mô hình “lớp học kết nối” qua đó góp phần đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học; giúp giáo viên nâng cao năng lực giảng dạy, trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức cho học sinh.
Lớp học kết nối là hình thức dạy học tích cực mà thầy và trò có thể sử dụng công cụ kết nối (trực tuyến) dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để tổ chức. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong 2 năm học vừa qua, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Chủ động tổ chức các giờ dạy theo mô hình dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp, áp dụng mô hình dạy học kết nối phục vụ công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn sinh hoạt dưới cờ theo hình thức “lớp học kết nối”
Năm học 2022 – 2023, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, việc xây dựng mô hình “lớp học kết nối” tiếp tục được các trường duy trì thực hiện. Tại Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn ít nhất 1 lần/học kỳ, học sinh nhà trường được tham gia tiết học tiếng Anh kết nối giữa nhà trường và các cơ sở giáo dục ở: Malaysia, Ấn Độ, Pakistan thông qua hình thức trực tuyến. Tại tiết học “xuyên biên giới” các em được trao đổi về các chủ đề như trang phục, ẩm thực, cảnh đẹp quê hương, đất nước, lễ hội… Qua các tiết học như vậy, học sinh được rèn luyện về khả năng nghe, nói tiếng Anh và sự tự tin trong giao tiếp; hiểu và tự hào hơn về cảnh đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam và thế giới.
Cô Trần Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc cho biết: Mô hình “lớp học kết nối” được trường thực hiện trong 2 năm học gần đây. Hình thức tổ chức có thể là 1 lớp học kết nối với 1 hoặc nhiều lớp học ở trong và ngoài tỉnh thậm chí là ở nước ngoài. Mô hình “lớp học kết nối” không chỉ rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian, còn góp phần nâng cao năng lực giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình dạy và học; mở ra nhiều cơ hội phát triển cho giáo viên; giúp học sinh có cơ hội giao lưu, học tập lẫn nhau. Mô hình này đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, năm học 2021 – 2022, tỉ lệ học sinh đạt học lực giỏi, khá chiếm 96,6% tăng 2,2% so với năm học 2020 – 2021.
Trong năm học 2022 – 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức dạy học theo mô hình “lớp học kết nối”. Đến nay 37/37 trường THPT trên địa bàn tỉnh đều xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cụ thể, khoa học, tiến hành triển khai các buổi sinh hoạt trực tuyến, thảo luận chuyên đề trên nền tảng kết nối như Google meet, Zoom, Skyper… Hình thức tổ chức mỗi trường học là một điểm cầu, tất cả học sinh được trao đổi trong một không gian học tập chung trên một nền tảng nhất định. Đây là cơ hội để học sinh của các huyện, thành phố trao đổi, giao lưu học tập về cùng một nội dung bài học. Những nội dung kiến thức khó được các thầy cô, các bạn ở các điểm cầu cùng giải quyết, giúp cho sự kết nối được mở ra với không gian học tập vô biên. Học sinh có cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tự chủ, tự học, giải quyết vấn đề và nâng cao khả năng sáng tạo hơn…
Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc các trường THPT sử dụng mô hình “lớp học kết nối” trong dạy và học là rất cần thiết. Trước đây trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường học sử dụng mô hình này ở tất cả các môn học. Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các trường học sử dụng mô hình này chủ yếu với môn ngoại ngữ và dùng để sinh hoạt chuyên môn… Sau một thời gian triển khai cho thấy, mô hình đã góp phần rút ngắn khoảng cách không gian, địa lý giữa các vùng miền, tiết kiệm thời gian giảng dạy của giáo viên. Các trường chủ động kết nối với các cơ sở giáo dục nước ngoài thì chủ đề trong giờ học đã bám sát chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam.
Việc tổ chức “lớp học kết nối” đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đơn cử năm học 2021 – 2022, tỉ lệ học sinh giỏi, khá đạt 72,1% tăng 4,4% so với năm học 2020 – 2021. Cùng đó còn góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh một cách toàn diện, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và học sinh. Thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục duy trì, triển khai mô hình này để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dạy và học.
Ý kiến ()