Thứ 5, 06/02/2025 16:11 [(GMT +7)]
Lớp hát dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn: Mô hình đưa dân ca vào trường nội trú
Thứ 4, 16/11/2011 | 08:57:00 [(GMT +7)] A A
Tuy nhiên, do kinh phí cho hoạt động này đều từ nguồn đóng góp của nhà trường nên đến nay lớp học mới chỉ được đầu tư 5 cây đàn tính trị giá 3 triệu đồng, trong khi nhu cầu học của HS cao. Vì thế, Ban giám hiệu nhà trường cũng xác định sẽ khắc phục mọi khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS được tiếp cận và lĩnh hội tốt nhất những kiến thức từ lớp học.
LSO-Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú (THPT DTNT) tỉnh Lạng Sơn là cái nôi đào tạo con em các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Với 99% học sinh (HS) là người dân tộc thiểu số, các em được học tập và nuôi dưỡng trong môi trường có nhiều điều kiện để phát triển một cách toàn diện về đức, trí, thể, mĩ.
Mặc dù vẫn giữ được tiếng “mẹ đẻ”, song cùng với thời gian, thì việc các em hoặc không để ý, không sống chung với ông bà nhiều như trước, hoặc không được ai dạy hát là những nguyên nhân chính dẫn đến những câu hát then, hát sli, hát lượn đã dần dần mai một.
Chị Lâm Bích Liêm dạy hát Sli cho học sinh trường THPT DTNT tỉnh |
Cô giáo Trần Lương Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh cho biết, xuất phát từ mục đích muốn tạo một sân chơi lành mạnh cho HS, đồng thời để lưu giữ, phát huy, bảo tồn dân ca các dân tộc Xứ Lạng, trong tháng 11/2011 chúng tôi phối hợp với hội viên Hội bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn tổ chức lớp học dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho các HS trong nhà trường. Trước mắt sẽ là hoạt động “ngoại khóa” bổ ích cho các HS khối 10 để tạo nòng cốt lâu dài cho hoạt động này trong nhà trường.
Theo kế hoạch, Trường THPT DTNT tỉnh tổ chức 2 lớp học hát then và hát sli, cỏ lẩu vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần cho các HS khối 10. Trước đó, các em được phổ biến cụ thể nội dung, chương trình của lớp học, tự nguyện đăng kí tham gia lớp học và không phải đóng bất cứ một khoản phí nào. Đây là lớp học đầu tiên được tổ chức tại trường để giúp các em học hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình nên nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình từ phía các HS. 46/122 em khối 10 đã tự nguyện đăng kí tham gia lớp học.
Chị Lâm Bích Liêm, hội viên Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh cho biết, là người trực tiếp giảng dạy cho các em về hát sli, hát cỏ lẩu nên bản thân chị hi vọng các em sẽ nắm được một số kiến thức cơ bản về cách hát đối đáp. Từ đó có thể hát được những bài hát đặt lời phù hợp với lứa tuổi như hát về thầy cô, bạn bè, mái trường, quê hương… Vì đây là hình thức “ứng khẩu thành thơ” nên một yêu cầu đối với hát sli là HS phải là người dân tộc Nùng và biết tiếng Nùng, hơn nữa đòi hỏi sự thông minh, nhanh nhẹn thì mới có thể đối đáp lại bạn hát.
Như vậy, chỉ với riêng hát sli, các HS cũng đã rèn luyện được khả năng tư duy, phản ứng nhanh, tìm ra nhiều từ ngữ phong phú để đối đáp lại bạn hát. Hơn nữa lại có thêm hình thức phong phú để “làm mới” những bài hát theo các chủ đề quen thuộc. Hát then có lẽ gần gũi hơn đối với các HS người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, từ trước đến nay các em mới chỉ được nghe ông bà, cha mẹ hát hoặc “bập bõm” hát mà không biết làm thế nào để “nói thông, hát thạo”, hát dễ nhất, nhanh nhất và nhớ lâu nhất các làn điệu then của dân tộc.
Anh Hoàng Việt Bình, hội viên Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh chia sẻ, xuất phát từ tình yêu đối với các làn điệu dân ca của Xứ Lạng, từ mong muốn phổ biến rộng rãi lời ca, điệu hát bằng tiếng “mẹ đẻ” nên bản thân anh mong muốn đóng góp một phần công sức vào việc truyền dạy cho các em học sinh, trước hết là các em người dân tộc đang theo học ở Trường THPT DTNT tỉnh.
Tại đây, hơn 20 em HS sẽ được làm quen với đàn tính (nhạc cụ cơ bản của hát then), giới thiệu nghệ thuật hát then, các nốt nhạc cơ bản, cách cầm đàn, từ đó có thể hát được các bài then theo làn điệu cải biên phù hợp với lứa tuổi, bồi dưỡng cho các em niềm yêu thích đối với các làn điệu then cổ… Học hát then, sli, cỏ lẩu không khó như mọi người nghĩ, quan trọng vẫn là sự yêu thích, say mê của người học và sự nhiệt tình chỉ bảo của người dạy.
Có thể nói, việc tổ chức lớp học hát then, sli, cỏ lẩu trong Trường THPT DTNT tỉnh đã dấy lên trong nhà trường phong trào học hát các làn điệu dân ca của các dân tộc trong tỉnh. Từ hoạt động này, các em sẽ có một sân chơi bổ ích vào mỗi tối cuối tuần; làm đẹp thêm ngôn ngữ nói; góp phần lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân ca Xứ Lạng. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa góp phần thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trước mắt là thiết thực chào mừng 29 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tuy nhiên, do kinh phí cho hoạt động này đều từ nguồn đóng góp của nhà trường nên đến nay lớp học mới chỉ được đầu tư 5 cây đàn tính trị giá 3 triệu đồng, trong khi nhu cầu học của HS cao. Vì thế, Ban giám hiệu nhà trường cũng xác định sẽ khắc phục mọi khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS được tiếp cận và lĩnh hội tốt nhất những kiến thức từ lớp học.
Thanh Hòa
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()