Long Nhật bị "áp lực kinh khủng" vì tự truyện
Tự truyện mới đăng 5 kỳ, ca sĩ Long Nhật đã nhận rất nhiều phản hồi của gia đình, vợ và bạn bè, nhất là những người được nhắc tên trong truyện. Anh trai Long Nhật bảo: “Mày xây dựng hình ảnh của anh xấu quá, làm học trò của anh trong Huế phản đối thày quá trời...”
– Từ hôm cho ra mắt tự truyện, anh nhận được phản hồi thế nào từ phía gia đình, người thân và khán giả hâm mộ?
– Thường buổi sáng tôi hay để điện thoại ở chế độ im lặng để ngủ bù bởi đêm đi biểu diễn về khuya, từ hôm ra tự truyện mỗi lần bật máy tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của gia đình, bạn bè, đặc biệt là khán giả, rất nhiều người quan tâm. Hôm nào bài chưa kịp lên thì mọi người “biểu tình” và “sốt xình xịch” khiến tôi vừa vui vừa áp lực kinh khủng. Mọi người giục ra sách vì đọc từng kỳ ngắn như vậy không đã.
Cũng có người nhắn rằng: tôi hãy tiết chế bản thân, đừng tiết lộ nhiều quá kẻo phí và hối hận. Nhưng tôi trả lời rằng, tôi không tiếc khi chia sẻ những câu chuyện của mình với khán giả bởi cuộc sống này cho tôi nhiều hơn tôi mong muốn và nếu có kiếp sau và được chọn lại thì tôi vẫn chọn cuộc đời như tôi đã có. Tôi cũng không có gì phải hối hận bởi tất cả mọi chuyện, khi quyết định mang ra để mọi người cùng chia sẻ, tôi cũng đã cân nhắc rất nhiều. Gia đình, người thân, bạn bè đều rất ủng hộ việc ra tự truyện của tôi.
Long Nhật cho biết, hôm nào bài chưa kịp lên, người thân và khán giả của anh lại nhắn tin, gọi điện tới tấp… |
– Trong những phần vừa qua, anh có nói về cha và anh trai anh với những kỷ niệm khó quên, cha và anh của anh có đọc tự truyện và họ phản ứng thế nào?
– Trước khi cho đăng tải tự truyện với những tình tiết và cảm xúc chân thành nhất của mỗi thời điểm, tôi cũng đã trò chuyện với gia đình nhiều lần. Ba là nhà thơ, nhà thi pháp Nguyệt Đình cùng anh Bi là họa sĩ Đinh Khắc Thịnh ở Huế rất ủng hộ và còn cung cấp thêm những hình ảnh, tư liệu trắng đen mà gia đình còn lưu giữ được (ở Huế vốn hay mưa và lũ lụt, khí hậu ẩm thấp nên hình ảnh bị hư và mất đi nhiều).
Khi đọc những phần đã đăng, cả nhà rất cảm động. Mạ và các em gái, kể cả em Như (con chú Dũng đã mất của tôi) hiện đang sinh sống ở Mỹ đều khóc vì bao nhiêu kỷ niệm của gia đình tràn về…
Anh Bi bảo: Mày xây dựng hình ảnh của anh xấu quá, làm học trò của anh trong Huế phản đối thày quá trời, kêu thày cũng là nghệ sĩ mà cực đoan thế. Rồi anh lại bảo: Lúc nhỏ, ai cũng muốn áp đặt cái tôi của mình lên người khác nhưng khi lớn lên rồi mới hiểu, mỗi người có một khả năng riêng, đặt họ đúng vị trí của mình thì họ sẽ tỏa sáng.
Còn với chuyện tôi kể về ngôi nhà cũ ở xóm lao động nghèo Hồ Xuân Hương thì có lần, anh Bi nói với cả nhà khi ăn cơm rằng: Anh cũng nhớ xóm cũ lắm, vì nó gắn liền với tuổi thơ của mấy anh em nhưng anh để trong lòng còn thằng Tiêu thì cứ bù lu bù loa lên, sốt cả ruột. Với lại hồi nhỏ, không bắt nó làm toán, học bài, để nó ham chơi, múa hát như thế mà được à. Lúc nào chơi thì chơi nhưng lúc học phải học chứ, thằng này vốn biếng học bài lắm.Cả nhà đều bật cười.
Nhân đây tôi cũng xin được bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến ba và anh Bi bởi họ như hai cái… “phanh” (cái thắng) trong cuộc đời tôi. Như đã nói: tôi là một người sống tình cảm quá mức cần thiết, có phần ủy mị, bi lụy. Ba và anh Bi đã giúp tôi kiềm chế cảm xúc của tôi bớt lại. Lúc hát hay đối nhân xử thế trong đời cũng vậy, tôi hay bị sa đà, không tỉnh táo thì mỗi lần nghĩ tới hai người đàn ông mà tôi kính trọng này thì tôi sẽ tiết chế bản thân và chừng mực hơn.
– Vợ anh có theo dõi tự truyện không? Cô ấy phản ứng thế nào về mối tình đơn phương câm lặng bao nhiêu năm của anh dành cho Châu Anh mà tới giờ vẫn còn đầy cảm xúc? Theo như giới thiệu ở phần đầu của tự truyện thì liệu anh có chuẩn bị tâm lý cho những phản ứng của cô ấy khi anh tiết lộ về những cuộc tình sâu nặng với cả nữ và… nam sắp tới?
– Cô ấy theo dõi một cách chăm chú từng kỳ được đăng trên báo mặc dù những câu chuyện, những mối tình của tôi Ngân đã được nghe kể tới kể lui nhiều lần trong suốt mười mấy năm chung sống – mà tới giờ cũng vậy, tôi vẫn hay kể tất tật mọi chuyện cho cô ấy nghe. Cô ấy vốn ít nói và thường hay lắng nghe và quan sát thôi, nói năng nhẹ nhàng. Tôi thì ngược lại, hay nói, hay nói tới mức mà con trai đầu lòng của chúng tôi (cháu giống tính mẹ) phải thốt lên: Ba ơi, ba và em nói nhiều nhức đầu quá!
Khi cho vợ biết sẽ có nhiều chuyện… “sến – sốc – sếch” về những cuộc tình với cả nam và nữ sẽ đăng trên tự truyện, vợ anh bình thản nói: “Anh muốn làm gì thì làm, miễn là 5 năm nữa thì về hẳn với em và con”. |
Tôi trêu cô ấy rằng: Càng về sau, càng có nhiều chuyện “sến- sốc- sếch” đấy, vợ chuẩn bị tinh thần nhé! Cô ấy nói rằng: Từ đây tới 50 tuổi, anh muốn làm gì thì làm: ra đĩa, viết tự truyện, làm liveshow… sau đó là ở nhà luôn với em và các con đấy.Tôi nói: Xin tuân lệnh bà xã.
– Anh có nhận được sự quan tâm và phản hồi của các bạn anh thời phổ thông? Nhất là với Châu Anh, “mối tình” duy nhất mà anh giữ tên thật của nhân vật trong tự truyện?
– Rất tiếc là tôi không liên lạc được với Châu Anh, cô ấy lấy chồng và sinh sống tại Mỹ. Dĩ nhiên là cô ấy đã biết về mối tình đơn phương của tôi rồi, nhưng mãi sau này mới biết, còn khi đang ở trường thì không rõ là cô ấy có biết không hay biết mà làm ngơ.
Các bạn trong lớp thì biết cả. Bạn Ái Mỹ, lớp phó văn thể mỹ, bạn Lành (cậu bạn đã gọi tôi ra và trói vào gốc cây mà tôi nhắc trong tự truyện), rồi Đặng, Nho, Phương Lan, cả chị Nhung gà máicũng gọi cho tôi. Giờ mọi người đều thành đạt, Nho là giáo viên, Phương Lan kinh doanh phát đạt… tất cả đều có con cái trưởng thành, học hành giỏi giang nên có thời gian, sử dụng intenet… nhoay nhoáy. Mọi người gọi tôi và nhắc lại rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ khác mà tôi chưa kịp đưa vào tự truyện. Như chuyện chị Nhung tồ bị thày Lý đuổi ra khỏi lớp vì cái tội không biết là thày ấy có cái miệng nói mà như cười. Thày giảng bài ở trên mà chị Nhung cứ ngồi dưới cười, thầy tức giận nói: Tôi đang giảng bài chứ làm hề đâu mà trò cười, cười cái gì.Lúc ra chơi, mọi người chạy tới động viên, hỏi chị cười gì, thì chị bật khóc và bảo: Oan chị quá, chị tưởng thầy cười với chị nên lịch sự cười lại, ai ngờ thấy tưởng chị giễu thầy, thầy đuổi ra khỏi lớp.
Phương Lan là hoa khôi của lớp và là bạn thân của tôi, mới đây mẹ Lan mất, Lan bảo đã lấy bài Bông hồng cài áo của tôihát mở trong đám tang mẹ vì khi trước bà rất quan tâm tới tôi, luôn hỏi han và thích nghe tôi hát.
Lớp của tôi là một tập thể gắn bó, yêu thương nhau, lớp 9 ở Buôn Mê Thuột cũng vậy. Các bạn thời cấp ba sau khi đọc tự truyện của tôi, đến đoạn tôi nói về Châu Anh còn ngâm nga thơ trêu tôi: Mối tình đầu như đi trên cát/ Bước nhẹ mà sâu, rồi cũng nhòa mau(ý nói rằng mối tình đầu như bước chân trên cát mịn, vừa bước đã lún sâu nhưng rồi chỉ mấy cơn gió thổi qua thổi lại là đâu lại vào đó). Nhưng tình cảm tôi dành cho Châu Anh có thế đâu nhỉ, giờ nghĩ về Châu Anh và những kỷ niệm ngày xưa cùng các bạn thuở học trò, tôi vẫn thấy thân thương quá!
– Anh trả lời sự quan tâm của mọi người dành cho tự truyện này thế nào? Anh từng nói trên báo giới là: sẽ có kế hoạch phát hành sách?
– Đúng thế, đó là kế hoạch tiếp theo mà tôi dự định sẽ thực hiện sau khi phát hành vol 10, có tựa đề Anh còn yêu em,DVD Long Nhật show: Người tình và kỷ niệm,DVD Long Nhật Quê hương- Mẹ và người lính.Tất cả mọi việc đã xong và đang xin phép, mua tem. Sau khi đi Mỹ biểu diễn vào tháng 11, thì cuối tháng 12 về tôi sẽ xúc tiến việc phát hành tự truyện thành sách.
– Anh có sợ rằng, việc đăng tải độc quyền trên VTC News sẽ làm giảm độ “hot” và số lượng phát hành của tự truyện?
– Hoàn toàn không. Bởi vì, khi đọc từng kỳ trên báo là một kiểu thưởng thức khác còn khi cầm nguyên cuốn sách trong tay sẽ có cảm xúc khác hẳn. Với lại, việc đăng độc quyền trên báo điện tử VTC News cũng là một cách giới thiệu về cuốn sách.
– Việc phát hành tự truyện thành sách đến với anh từ khi nào?
– Trong lúc đang “chuốt” lại đề cương từng phần thì có hai nhà xuất bản, cũng là chỗ bạn bè có biết chuyện và động viên tôi nên cho phát hành thành sách sau khi đăng tải trên báo điện tử VTC News. Họ bảo có hai cách phát hành: một là bán bản quyền, hai là hợp tác với nhà xuất bản để phát hành và chia phần trăm số lượng bán ra sau khi đã trả hết mọi khoản chi phí từ xin phép, in ấn, thiết kế bìa… Việc phát hành sách này gần giống như việc tôi phát hành album.
Nhưng điều thúc đẩy tôi phát hành sách chính là sự quan tâm của người hâm mộ khi tự truyện được đăng tải từng kỳ trên VTC News chứ không phải là chuyện “lợi nhuận” mà cuốn sách mang lại. Bởi xuất phát điểm để tôi cho ra mắt tự truyện của mình không phải nhằm kinh doanh mà để chia sẻ cuộc đời mình với người thân và khán giả yêu thương tôi suốt những năm qua.
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Ý kiến ()