Lồng ghép Nghị sự phụ nữ, hòa bình vào các trụ cột Cộng đồng ASEAN
Là một quốc gia luôn coi trọng vai trò của phụ nữ trong xây dựng, củng cố hòa bình và an ninh, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất nhằm đẩy mạnh triển khai nghị sự WPS trong ASEAN.
Sáng 11/2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo ASEAN về Lồng ghép Nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh vào các trụ cột Cộng đồng ASEAN.
Dự và phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) vào năm 2000 là nội dung quan trọng, song chưa thực sự được quan tâm trên tất cả trụ cột Cộng đồng ASEAN.
Thông qua Hội thảo, Thứ trưởng kỳ vọng ASEAN sẽ tìm ra bước đi tiếp theo để tăng cường thảo luận về WPS trong các cơ quan chuyên ngành, thực thể của ASEAN trên cả ba trụ cột; hình thành các khái niệm WPS và lồng ghép vào Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, hướng tới xây dựng Kế hoạch hành động khu vực về WPS (RAP) với các mục tiêu, hoạt động cụ thể.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, ASEAN có thể lồng ghép giới cùng các lĩnh vực liên quan vào các trụ cột Cộng đồng ASEAN; trong các phân tích về chính sách hòa bình, an ninh truyền thống và phi truyền thống của khu vực bằng cách thông qua các khuôn khổ “đáp ứng giới,” tương tự như khuôn khổ “một ASEAN, một phản ứng” được hình thành nhằm quản lý thảm họa và đưa ra những cảnh báo sớm, từ đó ngăn chặn thảm họa, khủng bố, xung đột.
Cũng tại phiên khai mạc, bà Vicky Ford, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh phụ trách châu Phi, Mỹ Latinh và khu vực Caribe, nhấn mạnh, bình đẳng giới là cách duy nhất để xây dựng một xã hội công bằng, thịnh vượng.
Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về WPS (NAP), hợp tác với Viện Nghiên cứu ASEAN về hòa bình và hòa giải (AIPR) tổ chức các học phần đào tạo về WPS; hoan nghênh các cam kết, kết quả của ASEAN trong xây dựng Kế hoạch hành động khu vực về WPS.
Hội thảo diễn ra trong hai phiên với diễn giả là các chuyên gia hàng đầu của Liên hợp quốc, Ban Thư ký ASEAN, Viện nghiên cứu ASEAN về Hòa bình và Hòa giải (AIPR) và các nước có thế mạnh về WPS.
Tại Phiên 1 có chủ đề “Nỗ lực của ASEAN và quốc tế trong thúc đẩy nghị sự WPS,” các phần trình bày nhằm rà soát những nỗ lực, đóng góp, thành tựu của thế giới và ASEAN trong thúc đẩy nghị sự WPS, triển khai Nghị quyết 1325 và Tuyên bố chung về thúc đẩy WPS trong ASEAN.
Đặc biệt, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương, nữ sỹ quan quân sự đầu tiên của Việt Nam tại Phái bộ Nam Sudan, đã chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị của Việt Nam nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Trong Phiên 2 với chủ đề “Lồng ghép nghị sự WPS: con đường phía trước,” các chuyên gia đã thảo luận về hai sáng kiến tăng cường nghị sự WPS trong ASEAN: xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về WPS của từng nước thành viên ASEAN và Kế hoạch hành động khu vực về WPS của ASEAN.
Đồng thời, đại diện các nước ASEAN và đối tác cũng đưa ra các khuyến nghị để tăng cường hợp tác thúc đẩy nghị sự WPS trong và ngoài ASEAN.
Thông qua những phần trình bày đa dạng và sâu sắc từ các diễn giả, ASEAN và đối tác đã bước đầu nhận định được các phương thức triển khai hiệu quả Nghị quyết 1325, các bước để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về WPS và Kế hoạch hành động khu vực về WPS.
Đây là biện pháp thiết thực để ASEAN lồng ghép nghị sự WPS vào các trụ cột Cộng đồng, cơ chế của ASEAN, hướng tới một tương lai khi phụ nữ có vai trò và tiếng nói gia tăng, xứng đáng với quyền và năng lực của mình.
Từ đầu thế kỷ XXI, Liên hợp quốc đã không ngừng thúc đẩy nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò quan trọng của phụ nữ trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình. Nỗ lực này được đánh dấu bằng việc Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) vào năm 2000.
Là một quốc gia luôn coi trọng vai trò của phụ nữ trong xây dựng, củng cố hòa bình và an ninh, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất nhằm đẩy mạnh triển khai nghị sự WPS trong ASEAN, đặc biệt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.
Hội thảo lần này là sự tiếp nối các nỗ lực của Việt Nam hướng tới hình thành và hiện thực hóa các biện pháp bảo đảm quyền phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các quá trình ra quyết định, phát huy vai trò trong xử lý các rủi ro và thách thức đe dọa đến hòa bình bền vững của khu vực./.
Ý kiến ()