Lồng ghép các yếu tố dân số vào phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 771/QĐ – TTg ban hành quy định về lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương. Quyết định đưa ra các quy định cụ thể nhằm bảo đảm mọi người dân, nhất là nhóm dân số yếu thế đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế – xã hội và tiến tới thực hiện mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, quyết định này là căn cứ huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết đồng bộ những vấn đề về kinh tế – xã hội, dân số và môi trường trên từng địa phương cũng như trên phạm vi quốc gia. Theo đó, nội dung của Quyết định dựa trên nguyên tắc lồng ghép cần bảo đảm phù hợp chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, ngành, vùng và các quy hoạch này được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các nội dung này nhằm bảo đảm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các mối quan hệ giữa dân số và phát triển, phù hợp mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Quyết định nêu rõ: Cần lồng ghép các yếu tố dân số trong xác định mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và khi triển khai phải phản ánh được mối quan tâm chung của tất cả các nhóm dân cư; hướng dẫn nâng cao phúc lợi xã hội và giải quyết các bất bình đẳng đối với những nhóm dân số yếu thế.
Các giải pháp cần dựa trên các tiêu chí như: phù hợp nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược dân số, quy hoạch của ngành, địa phương, phù hợp các dự báo về dân số, kinh tế – xã hội và môi trường. Đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của các nhóm dân số về xóa đói, giảm nghèo, an ninh lương thực, y tế, giáo dục – đào tạo, dinh dưỡng, nước sạch, vệ sinh môi trường, bảo trợ xã hội… bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các nhóm dân cư. Đáng chú ý, Quyết định nhấn mạnh ưu tiên các mục tiêu, giải pháp có tính khả thi cao; có khả năng huy động nguồn lực tài chính; có thể tạo ra tác động lan tỏa, tạo ra sự tiến bộ công bằng xã hội và duy trì các kết quả bền vững. Các giải pháp này cần phù hợp kết quả rà soát, phân tích, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách đã ban hành; bảo đảm mối quan hệ tác động tương hỗ của hệ thống các cơ chế chính sách phát triển kinh tế – xã hội thích ứng với biến đổi dân số trong từng thời kỳ.
Để các giải pháp được thực hiện một cách hiệu quả nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Tài chính cùng phối hợp các bộ, ngành liên quan kết hợp xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê, chương trình điều tra thống kê và phân loại thống kê theo quy định của pháp luật. Triển khai lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của ngành y tế; xây dựng, ban hành hệ thống chỉ tiêu, chỉ báo về dân số và sức khỏe; cung cấp thông tin thống kê về dân số và sức khỏe theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của ngành y tế… Đối với các địa phương, cần hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và theo dõi, giám sát, đánh giá định kỳ và báo cáo kết quả thực hiện. Tổ chức điều phối, kết nối, cung cấp dữ liệu, thông tin giữa các hệ thống thông tin thống kê nhà nước; cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật; theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; kiến nghị Chính phủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm được thực hiện đồng hộ, có hiệu quả nhất.
Cần nâng cao chất lượng dân số đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội. Để nâng cao chất lượng dân số cần tập trung vào ba yếu tố: quy mô, cơ cấu và phân bố dân số theo vùng, lãnh thổ. Các yếu tố dân số luôn bị tác động trực tiếp bởi các yếu tố: sinh đẻ, tử vong, di cư và ảnh hướng tới kết quả phát triển kinh tế – xã hội (thu nhập, việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường sống…). Các yếu tố dân số cần được đánh giá theo tình hình thực tế của từng vùng, từng địa phương và cần lồng ghép phát triển dân số vào xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội ở cả các cấp, các ngành, các địa phương đó…
(Nguồn: Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế)
Ý kiến ()