Long Đống: Cơ sở điển hình hưởng ứng kinh tế số
– Xác định phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Long Đống, huyện Bắc Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế số. Qua đó, từng bước chuyển đổi phương thức mua, bán truyền thống sang nền tảng công nghệ số, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Ông Hoàng Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Long Đống cho biết: Với lợi thế có nhiều loại nông sản đa dạng, tháng 7/2021, xã Long Đống được UBND huyện Bắc Sơn lựa chọn là xã điểm thực hiện phát triển kinh tế số. Ngay sau đó, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế số và xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các hộ trên địa bàn xã triển khai thực hiện.
Trưởng thôn An Ninh 1, xã Long Đống (bên trái) hướng dẫn người dân giao dịch trên sàn TMĐT voso.vn
Cụ thể, UBND xã đã phối hợp với ViettelPost Bắc Sơn mở lớp tập huấn cho lực lượng nòng cốt là các cán bộ, công chức xã và trưởng các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Nhờ đó, 100% lực lượng nòng cốt đều thuần thục kỹ năng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), phục vụ việc hướng dẫn trực tiếp người dân phát triển kinh tế số.
Song song với việc hướng dẫn trực tiếp, UBND xã còn tuyên truyền phát triển kinh tế số trên hệ thống truyền thanh cơ sở với tần suất 7 lượt/tuần, treo khẩu hiệu tại các nhà văn hóa thôn,… Qua đó, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi phương thức bán hàng truyền thống sang nền tảng công nghệ.
Đặc biệt, để triển khai phát triển kinh tế số hiệu quả, UBND xã thành lập các tổ nòng cốt (nay được gọi là tổ công nghệ cộng đồng) phát triển kinh tế số. Theo đó, các tổ được thành lập tại 10/10 thôn, với 5 đến 7 thành viên gồm: trưởng thôn, bí thư chi đoàn thôn… có nhiệm vụ hướng dẫn trực tiếp các hộ đăng ký cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử, hỗ trợ hộ dân mua bán sản phẩm hàng hoá trên sàn TMĐT.
Anh Hoàng Thanh Xuyên, Trưởng thôn An Ninh 1, Tổ trưởng Tổ Công nghệ cộng đồng của thôn cho biết: Để vận động người dân trong thôn tham gia chương trình phát triển kinh tế số, chúng tôi trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản trên sàn TMĐT. Đối với những hộ ở xa trung tâm, chúng tôi trực tiếp đến tận nhà để hướng dẫn phát triển cửa hàng số. Đồng thời, phân chia mỗi người phụ trách hướng dẫn 10 hộ dân trong thôn, trong đó, đối tượng đầu tiên chúng tôi hướng đến là thanh niên trẻ tuổi, năng động, nhiệt tình, có khả năng tiếp thu nhanh về ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh. Nhờ vậy, hiện nay, 80% các hộ trong thôn đều có gian hàng trên sàn TMĐT.
Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp trên, hiện nay, xã có 618/1.085 hộ có gian hàng số trên sàn giao dịch điện tử voso.vn, đạt 57% (vượt chỉ tiêu đề ra), tất cả các hộ đều có tài khoản thanh toán điện tử như: ví ViettelPay, tài khoản ngân hàng thanh toán điện tử và có 10% hộ đầu tàu có các sản phẩm và bán hàng trên sàn voso.vn. Các sản phẩm được giao dịch qua sàn thương mại điện tử gồm các mặt hàng nông sản địa phương như: thanh long ruột đỏ, lạc đỏ, bánh trưng đen… Qua chương trình phát triển kinh tế số, nhiều hộ dân đã duy trì và bán hàng hiệu quả.
Chị Dương Thị Phương, thôn Rạ Lá phấn khởi cho biết: Tháng 8/2021, tôi được Tổ Công nghệ cộng đồng hướng dẫn đăng ký mở tài khoản và gian hàng trên sàn TMĐT voso.vn. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, tôi đã biết cách trao đổi mua bán trên nền tảng số. Vụ thanh long năm nay, tôi có trên 50 đơn đặt hàng với với số lượng trên 3 kg/đơn hàng, giá bán từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Từ khi tham gia kinh tế số, việc bán hàng của tôi thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đăng bán thêm các mặt hàng nông sản khác trên sàn TMĐT.
Mặc dù chương trình mới được triển khai và người dân nông thôn vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng nhưng đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 500 đơn hàng giao dịch thành công, tập trung chủ yếu ở các hộ đầu tàu, các mặt hàng bán ra thị trường chủ yếu là nông sản địa phương theo mùa như: thanh long, lạc, nho,… với sản lượng khoảng 2 tấn, đem lại giá trị kinh tế trên 60 triệu đồng. Các đơn hàng chủ yếu phục vụ khách hàng trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Tuy số lượng đơn hàng và sản lượng tiêu thụ qua sàn TMĐT chưa nhiều nhưng qua thành công của các hộ đầu tàu đã và đang từng bước tạo sự lan tỏa đến các hộ lân cận. Qua theo dõi, đánh giá của UBND xã, cứ mỗi hộ đầu tàu đã tác động tích cực đến hơn 10 hộ dân cùng địa bàn, giúp các hộ từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, tiếp cận với phát triển kinh tế số.
Có thể thấy, việc thực hiện chương trình kinh tế số đã dần đi vào đời sống người dân xã như một nhu cầu thiết yếu của quá trình phát triển sản xuất, góp phần thay đổi tư duy, chuyển đổi phương thức mua, bán truyền thống sang nền tảng công nghệ số. Việc đưa các nông sản lên sàn TMĐT không chỉ góp phần giúp người nông dân tiếp cận với TMĐT, thanh toán trực tuyến mà còn mở ra cơ hội mới cho người dân quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển các cửa hàng số, đưa các mặt hàng nông sản lên sàn TMĐT nhằm quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2022, xã phấn đấu có 64% số hộ trên địa bàn xã có cửa hàng số trên sàn TMĐT.
Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền cùng sự chủ động từ người dân, tháng 12/2021, UBND xã Long Đống vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 1.
Ý kiến ()