Long An: Xóa nghèo từ cây thanh long
Huyện Châu Thành, tỉnh Long An được biết đến như là thủ phủ của cây Thanh Long, bởi nhiều năm qua tại địa phương này, cây thanh long đã là cây xóa đói giảm nghèo cho những hộ dân ở Châu Thành.
![]() |
Chăm sóc thanh long sau vụ thu hoạch (Ảnh: K.V) |
Hiện nay, toàn huyện Châu Thành có hơn trên 3 nghìn ha thanh long, trong đó có khoảng trên 2 nghìn ha diện tích đang cho quả. Theo dự kiến đến năm 2020, diện tích thanh long của toàn huyện Châu Thành sẽ là 8.000 ha với năng suất bình quân từ 75.000 đến 80.000 tấn/năm.
Bà Nguyễn Thị Đậm, Trưởng phong Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phấn khởi cho biết, sau khi tỉnh Long An phê duyệt đề án “Sản xuất thanh long xuất khẩu huyện Châu Thành giai đoạn 2011- 2015, định hướng năm 2020”, theo đề án này, dự kiến diện tích sau thu hoạch lúa vụ 3 năm 2014, diện tích cây thanh long được trồng ở Châu Thành sẽ lên gần 4.000 ha.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Đậm, nhờ áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng cây thanh long, cũng như lựa chọn những giống mới năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, nên năng suất và sản lượng cây thanh long ở Châu Thành luôn tăng qua từng vụ.
Trong tổng số 3.258 ha thanh long của huyện Châu Thành thì có 2.000 ha thanh long ruột trắng và 1.257 ha thanh long ruột đỏ với trên 6.800 hộ tham gia trồng loại cây này. Năng suất bình quân đạt 45 tấn/ha/năm, trong đó, thanh long chính vụ đạt 10 tấn, thanh long rải vụ đạt 15 tấn/ha/lần thắp đèn, bình quân cứ mỗi năm thắp đèn cho thanh long ra trái nghịch vụ hai lần. Dự kiến sản lượng thanh long toàn huyện Châu Thành năm 2014 đạt trên 100 nghìn tấn.
Có thể khẳng định, từ nhiều năm nay, nhờ cây thanh long, thu nhập của người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An ngày một khá hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Cây thanh long đã xuất hiện ở vùng đất Châu Thành này từ khá lâu, nhưng trước đây, người dân chỉ xem loại cây này là cây ăn quả thông thường trong vườn nhà, chứ chưa xem đây là giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến khi thị trường có nhu cầu, cây thanh long mới được người dân Châu Thành chú ý đến. Từ mỗi năm thu hoạch một vụ, nông dân Châu Thành bắt đầu chuyển qua trồng trái vụ để cho giá trị kinh tế cao. Người dân cũng chuyển từ trụ cây sang trụ bê tông, giảm bớt chi phí phân bón. Đến năm 2000, việc trồng cây thanh long đã được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ huyện Châu Thành, xem đây là cây phát triển chủ lực của huyện. Hiện, mỗi ha thanh long, trong một năm bà con thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Theo chân bà Lê Thị Kim Thủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đưa chúng tôi đi thăm những vườn thanh long đỏ rực một màu quả chín. Bà Thủy cho biết, Dương Xuân Hội là xã đầu tiên của tỉnh Long An hoàn thành xây dựng nông thôn mới cũng là nhờ cây thanh long.
Từ loại cây trồng này mà Dương Xuân Hội trước đây vốn gặp rất nhiều khó khăn nay đã thay da, đổi thịt, trở thành một vùng quê sầm uất với những công trình giao thông, trạm y tế, trường học, khu vui chơi cộng đồng khang trang, sạch đẹp.
Bà Lê Thị Kim Thủy chia sẻ, nhớ lại những ngày đầu khi Dương Xuân Hội bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, cũng là lúc các hộ gia đình dịch chuyển cơ cấu cây trồng từ các loại khác sang trồng chủ yếu là thanh long. Nhờ cây thanh long, bộ mặt nông thôn của xã Dương Xuân Hội đã đổi thay từng ngày. Thu nhập từng hộ gia đình ngày càng tăng, nên công tác xây dựng nông thôn mới của xã diễn ra thuận lợi. Người dân đã đóng góp gần 25.000 mét vuông đất và gần 3 tỷ đồng để nâng cấp đường giao thông.
Đến nay, xã đã có những chuyển biến đáng kể từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trong đó, cây thanh long là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đưa thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14 triệu đồng/người/năm 2010 lên trên 25 triệu đồng/người/năm vào năm 2013, đến nay là 29 triệu đồng/người/năm. Số gia đình khá và giàu chiếm 90%, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 21 hộ xuống còn 7 hộ, chiếm 0,5%. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng được cải thiện đáng kể với hệ thống nhà văn hóa, sân thể thao, điểm truy cập internet đến từng ấp.
Để việc trồng thanh long ngày càng mang lại hiệu quả cao, các ngành chức năng của tỉnh Long An và huyện Châu Thành đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào nhóm giải pháp về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Thời gian qua, các hộ trồng thanh long ở Châu Thành đã được tham gia nhiều lớp tập huấn, dạy nghề, hướng dẫn quy trình sản xuất, chăm sóc thanh long qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật… Năm 2013, tại xã Dương Xuân Hội đã có trên 33 ha với 37 xã viên của hợp tác xã đạt chứng nhận GlobalGAP, chính từ đây mà diện tích thanh long trên đã được cấp code xuất khẩu đi Hoa Kỳ.
Hiện nay, thanh long của huyện Châu Thành chủ yếu xuất khẩu dưới dạng quả tươi, toàn huyện có 6 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã và 19 hộ kinh doanh thu mua sơ chế thanh long, thị trường tiêu thụ thanh long chính ngạch đến 14 quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Canada…Nhằm đẩy mạnh sản xuất thanh long, những năm qua, huyện Châu Thành cũng đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng, như nâng tải trọng cầu Vĩnh Công cho xe 20 tấn lưu thông đến tận trung tâm huyện, do đó, không phải trung chuyển qua khâu trung gian như trước đây, nên người dân được hưởng lợi từ việc nâng giá trị thanh long lên cao. Hiện nay, các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành đều đã được bê tông hoặc trải nhựa 100%, đảm bảo tốt cho nhu cầu vận chuyển quả thanh long mỗi khi vào vụ.
Ông Cao Văn Cư, một chủ hộ trồng thanh long ở Châu Thành từ nhiều năm nay cho biết thêm về những khó khăn của các hộ đang gặp phải, đó là do hiệu quả kinh tế từ cây thanh long nên có rất nhiều hộ mở rộng diện tích, từ đó, nhu cầu dùng điện thắp sáng cho thanh long trái vụ là rất cao, năm 2013, mặc dù Châu Thành đã được tỉnh Long An đầu tư về cơ sở hạ tầng lưới điện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thắp sáng của các hộ trồng thanh long.
![]() |
Được mùa thanh long (Ảnh: K.V) |
Để khắc phục khó khăn trên, nhiều hộ trồng thanh long đã mua máy phát điện để thắp sáng cho thanh long trái vụ, mỗi chiếc trị giá tới 80 triệu đồng, chi phí cho mỗi lần chạy máy phát rất tốn kém, nên trong thời gian tới, nếu không được đáp ứng điện đầy đủ, việc cho thanh long ra trái vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, giảm hiệu quả kinh tế cho người trồng thanh long.
Bà Nguyễn Thị Đậm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, trong thời gian tới và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục triển khai thực hiện đề án của tỉnh đã giao cho, theo đó, tập trung chỉ đạo các ngành kỹ thuật phối hợp với các cơ quan chức năng cùng các địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo nông sản sạch, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo sản xuất thanh long hiệu quả, bền vững. Tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng hộ dân sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện thắp sáng cho thanh long trái vụ, vừa tiết kiệm điện, vừa tăng thu nhập cho người trồng cây.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()