Long An kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi nhiều quy định không phù hợp
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần, đã báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực và các đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh trong 8 tháng đầu năm cùng một số đề xuất, kiến nghị đối với những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật…
Đối với đề xuất, kiến nghị của tỉnh, theo ông Cần, liên quan đến lĩnh vực kế hoạch đầu tư, Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019, nhưng hiện các văn bản hướng dẫn Luật này vẫn chưa có để tỉnh triển khai lập quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, do đó Long An kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn triển khai luật này.
Long An cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành Luật Đầu tư công sửa đổi và ban hành các nghị định hướng dẫn liên quan; đồng thời bãi bỏ những văn bản trước đó như Chỉ thị số 1792/CT-TTg, Chỉ thị số 07/CT-TTg; tăng hạn mức vốn phân bổ hàng năm cho tỉnh, điều chỉnh tăng hạn mức vốn trung hạn 2016-2020, sớm phân bổ vốn bội chi ngân sách…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh kiến nghị thống nhất danh mục hóa chất cho phép/cấm sử dụng trong thực phẩm, quy định rõ mức giới hạn hóa chất cho phép sử dụng trong thực phẩm; hỗ trợ mở rộng quy mô tối thiểu 30% để khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất nông, lâm thủy sản.
Kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ quy định bảo vệ môi trường ngành công thương tại Thông tư 35/2015/TT-BCT vì hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh và phạm vi cả nước là do ngành tài nguyên và môi trường quản lý, dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ.
Liên quan đến những vướng mắc đối với doanh nghiệp khi thay đổi Luật Đất đai, lãnh đạo Long An cho biết, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn chính thức về việc trả tiền thuê đất một lần với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, tuy nhiên đến nay hai bộ này vẫn chưa có ý kiến; kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để địa phương thuận lợi trong thực hiện; đối với các doanh nghiệp do ngân sách địa phương đầu tư, sau khi thoái vốn, tiền thu thoái vốn để lại cho địa phương chi đầu tư phát triển tại địa phương; kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khai thác các di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận.
Tỉnh Long An cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sớm ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, đồng thời hướng dẫn số lượng biên chế, công chức, viên chức các đơn vị, cơ quan của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới sau khi sáp nhập, hợp nhất cần có tỷ lệ nhất định; sớm ban hành cơ chế, chính sách đối với những người chịu tác động trực tiếp của quá trình xắp xếp đơn vị hành chính các cấp, làm cơ sở để địa phương sớm triển khai thực hiện, hoàn thành trong năm 2019, tạo điều kiện để sang năm 2020 tiến hành đại hội đảng bộ cấp xã; đề nghị Trung ương sớm ban hành đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã…
Ngoài ra, Long An cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm triển khai đối với các dự án cụ thể trên địa bàn tỉnh, như dự án Quốc lộ 62, dự án mở rộng Quốc lộ 50, đoạn từ TPHCM đến Long An; các công trình đê bao thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hóa Bệnh viện sản nhi; mở rộng một số khu, cụm công nghiệp…
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Long An trong những tháng qua. Phó Thủ tướng cũng thông báo đến tỉnh một số thành tựu kinh tế, xã hội chung của đất nước.
Về các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng cho rằng, Long An có vị trí cửa ngõ, kết nối hàng hóa, nông sản từ các tỉnh Tây Nam Bộ với thị trường tiêu thụ lớn là TPHCM và các tỉnh miền Đông và cả nước, do đó, nhu cầu phát triển giao thông là rất cần thiết và cấp bách. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp thu, quan tâm tháo gỡ những khó khăn mà tỉnh nêu ra để không chỉ tỉnh mà cả khu vực có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, ngoài nguồn vốn Trung ương thì địa phương cũng cần phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó cần phát huy nguồn vốn của doanh nghiệp. Đối với những vướng mắc ở các dự án liên quan đến người dân, lãnh đạo địa phương cần trực tiếp nắm bắt, phối hợp với các cơ quan chức năng trung ương để giải quyết, nhanh chóng đưa các dự án vào hợt động.
Trong 8 tháng, Long An đã cấp phép hoạt động cho 96 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 12.444 tỷ đồng; có 17 dự án xin tăng vốn 1.101 tỷ đồng. Tỉnh cũng cấp phép cho 51 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 193,8 triệu USD; có 50 dự án xin tăng vốn 91,1 triệu USD. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước trong 8 tháng đạt 9.500 tỷ đồng, bằng 73,9% dự toàn thu cả năm và tăng 21,3% so với cùng kỳ. |
Ý kiến ()