Long An biến đất hoang thành vựa lúa vàng
Thu hoạch lúa đông xuân ở Đồng Tháp Mười. Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) bao gồm ba tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp với diện tích gần 697 nghìn ha, trong đó phần diện tích thuộc tỉnh Long An chiếm xấp xỉ 300 nghìn ha. Nơi đây vốn là vùng đất chua phèn nặng "bưng sậy lên hoang", giờ đây dưới bàn tay của con người đã trở thành đất vàng, cung cấp cho cả nước hàng triệu tấn lương thực mỗi năm.Đánh thức một vùng đấtGắn trọn đời với vùng đất ĐTM, ông Phạm Văn Nương, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An vẫn nhớ như in về mảnh đất mà ông sinh sống. "Ngày đó, vùng này hoang vu lắm, nhìn đâu cũng thấy rừng tràm, cỏ mồm, lau sậy. Chuyện đi lại ở đây thì khó khăn vô cùng, chỉ toàn đi bằng ghe. Hơn nữa, ĐTM trước đây còn là nơi sinh sống của nhiều thú dữ, trăn, rắn... Muỗi mòng, đỉa nhặng... thì nhiều vô kể". Là vùng hoang hóa lâu đời, nên rất ít người đến đây sinh sống. Cũng sinh ra và lớn lên tại ĐTM, ông Võ Văn...
Thu hoạch lúa đông xuân ở Đồng Tháp Mười. |
Đánh thức một vùng đất
Gắn trọn đời với vùng đất ĐTM, ông Phạm Văn Nương, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An vẫn nhớ như in về mảnh đất mà ông sinh sống. “Ngày đó, vùng này hoang vu lắm, nhìn đâu cũng thấy rừng tràm, cỏ mồm, lau sậy. Chuyện đi lại ở đây thì khó khăn vô cùng, chỉ toàn đi bằng ghe. Hơn nữa, ĐTM trước đây còn là nơi sinh sống của nhiều thú dữ, trăn, rắn… Muỗi mòng, đỉa nhặng… thì nhiều vô kể”. Là vùng hoang hóa lâu đời, nên rất ít người đến đây sinh sống. Cũng sinh ra và lớn lên tại ĐTM, ông Võ Văn Khoái (82 tuổi), ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa vẫn còn cảm nhận được những khó khăn, gian khổ khi ông nhắc lại những ngày “bưng sình hỗn loạn” nơi vùng đất phèn. Ông cho biết, vùng này mùa khô thì nắng cháy cả đồng, còn mùa mưa thì lũ về ngập tràn lan. Muốn đi thăm bà con ở dưới huyện, ông Khoái phải mất nửa ngày mới đến nơi. Bệnh viện thì thiếu, trạm y tế còn rất sơ sài, nên mỗi lần có ai muốn đi khám bệnh thì cũng”trần ai”.
Trước thực tế ấy, Đảng bộ tỉnh Long An đã có chủ trương khai thác ĐTM, nhằm tạo ra vùng lương thực, không để cho bà con phải thiếu đói.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An Lê Thanh Tâm nhớ lại, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Long An lần thứ III (1983) đã nêu lên quyết tâm khai thác tiềm năng ĐTM, trong đó có kế hoạch lấp kín vùng này bằng cây lúa và cây tràm. “Thật ra, trước khi có nghị quyết, việc khai hoang ĐTM đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Khi biết chủ trương khai thác ĐTM để trở thành vùng lương thực cho tỉnh, một số đồng chí cán bộ đã không đồng tình. Thậm chí cho rằng đây là việc làm chưa có tiền lệ nên thực hiện rất mạo hiểm.
Để thực hiện điều này, tỉnh Long An đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc điều động dân cư từ các huyện phía nam và phía đông lên, đồng thời, thành lập các đoàn quân lao động chủ lực với lực lượng nòng cốt là thanh niên xung phong, bộ đội để xây dựng các công trình thủy lợi. Từ đoàn xây dựng kinh tế thử nghiệm đầu tiên, được sự đồng ý của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Long An đã tích cực và khẩn trương tổ chức năm đoàn xây dựng kinh tế Đồng Tháp và Đoàn xây dựng kinh tế Thanh niên, bố trí trên địa bàn ĐTM, nhất là dọc tuyến biên giới Cam-pu-chia. Bằng sức trẻ, chỉ trong hai năm 1983 và 1984, tỉnh Long An đã huy động được 4.250.000 ngày công và 40 triệu đồng, đào đắp 3 triệu mét khối đất, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho 9.500ha ruộng ở các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng…
Anh Võ Hùng Cường, quê ở Cần Giuộc, là một huyện thuộc phía nam tỉnh Long An cho biết, năm 1984, thực hiện chủ trương tiến quân về ĐTM, anh cùng hơn 100 hộ dân khác đã di cư lên huyện Mộc Hóa để khẩn hoang. Anh nhớ lại: “Trước khi lên ĐTM dù biết trước sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tôi không ngờ thực tế còn gian nan hơn gấp bội”. Đứng trước những cánh rừng tràm mênh mông, những đồng cỏ dày đặc, anh Cường nhiều khi cũng thoáng chút nản lòng. “Tuy nhiên, khổ nhất là mình sạ lúa bao nhiêu thì chuột, chim trời cứ đua nhau ăn hết. Những năm đầu, thu hoạch lúa chỉ mong đủ ăn cho gia đình, chứ không dám mơ đến việc bán lúa kiếm lời”- anh Cường cho biết thêm. Khó khăn trong buổi đầu đi xây dựng kinh tế mới còn ở việc làm sao cải tạo được đất phèn. Nhiều chuyên gia nước ngoài khi đến vùng ĐTM đã cho rằng rất khó để trị phèn nơi đây. Nhưng với sự quyết tâm, nhân dân Long An đã nỗ lực đào kênh, dùng nhiều phương pháp ém phèn, rửa phèn để có thể canh tác tốt.
“Thêm một khó khăn nữa trong việc khai thác ĐTM đó là làm sao để người dân từ bỏ thói quen làm lúa mùa để chuyển sang làm lúa ngắn ngày, 2 vụ/năm”- Ông Lê Thanh Tâm- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết. Để thay đổi tập quán đó, tỉnh phải chọn ra một vài đơn vị để làm điểm. Khi thấy hiệu quả, người dân mới bắt đầu làm theo. Cứ thế, sau gần mười năm, người dân vùng ĐTM mới bắt đầu sống ổn định khi dựa vào cây lúa. Và trong những kỳ Đại hội Đảng bộ tiếp theo, tỉnh Long An tiếp tục có những chủ trương, chính sách đúng đắn để tiếp tục đánh thức tiềm năng vùng đất này.
Vựa lúa từ cánh đồng hoang
Chúng tôi đến xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An tìm gặp những người dân phía nam lên đây lập nghiệp trong thời kỳ “lấp kín” ĐTM. Ông Trần Văn Sữa, 58 tuổi, ở ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung là một trong những người dân quê Cần Đước “tiến quân về Đồng Tháp Mười” từ năm 1986. Trải qua những năm gian khó để khai hoang, gây dựng cuộc sống mới trên vùng đất phèn giờ đây, sau gần 30 năm lập nghiệp nơi vùng kinh tế mới, ông đã có được một cuộc sống ổn định. Nếu như năm 1989, ông Sữa thu hoạch lúa chỉ độ 4,5 tấn/ha, thì ngày nay con số đó đã tăng lên gấp đôi. Mỗi vụ lúa ông lời khoảng 30 triệu đồng. “Giờ đây nông dân ĐTM không còn sợ lúa như trước đây. Cây lúa đang giúp nông dân ngày một khá hơn.” Và nhiều hộ dân khác trong ấp “kinh tế mới” đều có chung suy nghĩ như ông Sữa. Không còn cách làm chỉ dựa trên kinh nghiệm, người dân ĐTM đã biết kết hợp khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hạn chế rủi ro và tăng năng suất, chất lượng cho cây lúa. Nhiều mô hình liên kết sản xuất ra đời đã giúp cho người dân ĐTM có điều kiện nâng cao giá trị cho cánh đồng của mình, và xa hơn là góp phần tăng sản lượng lúa gạo cả nước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Lê Minh Đức cho biết, nếu như năm 1985, sản lượng lương thực của tỉnh là gần 600 nghìn tấn, thì sau 26 năm, con số này đã là 2,5 triệu tấn. Để vùng đất ĐTM tiếp tục phát triển, Long An đã có những chương trình đột phá trên nhiều lĩnh vực nhằm giúp cho ĐTM phát triển toàn diện. Đặc biệt, để ĐTM tiếp tục trở thành vựa lúa đòi hỏi tỉnh có những chính sách phù hợp dành cho nông nghiệp. Bí thư huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An Lê Minh Nhựt cho biết, theo xu hướng phát triển hiện nay và sắp tới, ông cho rằng phát triển kinh tế của Mộc Hóa cũng như ĐTM vẫn là chú trọng đến nông nghiệp và cây lúa vẫn là cây chủ lực.
Tỉnh Long An đã thực hiện thành công chương trình khai hoang ĐTM, mang lại cho vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi” ngày nào một bộ mặt mới, tươi đẹp hơn. Người dân ĐTM trước đây chỉ mong làm sao cho khỏi thiếu ăn thì bây giờ đang ra sức để làm giàu. ĐTM không chỉ là vựa lúa của tỉnh, vùng đất này cần phải là một điển hình về nông thôn mới. Để đạt được điều đó, tỉnh Long An cần phải có quy hoạch phù hợp, chú trọng đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao dân trí cho người dân nơi đây. Như thế, người dân ĐTM mới tiếp tục viết tiếp câu chuyện cổ tích của riêng mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()