Thứ 7, 30/11/2024 01:46 [(GMT +7)]
"Lối về" cho những cuộc đời lầm lỗi
Thứ 5, 15/04/2010 | 14:24:00 [(GMT +7)] A A
Xác định công tác vận động đối tượng truy nã đầu thú là hết sức quan trọng, tác động lớn tới việc giảm “đầu vào” của tội phạm, song, điều trăn trở nhất là làm thế nào để có được niềm tin của những người lầm lỗi, tự giác ra đầu thú…
Đại tá Đỗ Hữu Ca, Phó Giám đốc CA TP Hải Phòng đã tự tay biên soạn, rồi gửi đi hàng trăm bức thư kêu gọi đầu thú đến thân nhân các gia đình có con em đang trốn truy nã. Nhận được những lá thư ấy, đã có rất nhiều đối tượng phạm tội đang lẩn trốn gạt bỏ nỗi sợ hãi, bước ra từ bóng tối, trở về với gia đình, cộng đồng.
Bức “tâm thư”… tầm nã
“Những người phạm phải những sai lầm nghiêm trọng đối với xã hội đều có tâm lý lo sợ vì không biết mức độ nghiêm trọng hành vi phạm tội do mình gây ra, và họ thường tìm cách lẩn trốn sự trừng phạt. Nếu để đối tượng trốn truy nã ở bên ngoài xã hội sẽ rất nguy hiểm. Họ có nguy cơ phạm những tội nghiêm trọng hơn”. Đó là ý kiến của Đại tá Đỗ Hữu Ca, Phó Giám đốc CA TP Hải Phòng.
Hiểu được tâm lý của mỗi người đều hướng về cội nguồn, về với mái ấm của gia đình, nhất là trong những dịp Tết đến xuân về, trước Tết Canh Dần 2010, Đại tá Đỗ Hữu Ca đã tự tay biên soạn, rồi gửi hàng trăm bức thư kêu gọi đầu thú đến thân nhân các gia đình có con em đang trốn truy nã. Những bức thư ấy chứa đầy tâm huyết, tình cảm và trách nhiệm. Thư có đoạn: “Với phương châm giáo dục, cải tạo là chính, tôi kêu gọi những người phạm tội và gia đình tích cực vận động, khuyến khích con em ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Tùy theo mức độ phạm tội, thái độ khai báo và có những việc làm giúp đỡ cơ quan Công an điều tra, khám phá tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có thể sẽ được tại ngoại, được giảm nhẹ hình phạt, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự…”. Những bức thư cũng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật: “Nếu những người phạm tội tiếp tục lẩn trốn, bị kẻ khác lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội mới, khi bị bắt sẽ bị xử lý nghiêm khắc trước pháp luật. Ai có công vận động được người phạm tội ra đầu thú, tùy theo thành tích sẽ được khen thưởng xứng đáng. Những ai cố tình che giấu, chứa chấp kẻ phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Đây là cơ hội tốt nhất để người có lệnh truy nã, trốn thi hành án làm lại cuộc đời mình, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội và cộng đồng”.
Và những người trở về
Với kinh nghiệm lâu năm trong công tác bắt và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú, Trung tá Nguyễn Trường Tam, Đội trưởng Đội truy nã – Phòng CSĐTTP về TTXH CA TP Hải Phòng cho biết, nghề “bắt nã” vô cùng gian nan, nguy hiểm và tốn kém về vật chất. Nhất là những đối tượng phạm tội nghiêm trọng thì đều có tâm lý hoang mang, lo sợ, khi bị phát hiện chúng có thể chống trả quyết liệt hòng trốn tránh sự trừng phạt. Bởi vậy, công tác vận động đối tượng ra đầu thú luôn được các anh đặt lên hàng đầu… Trung tá Nguyễn Trường Tam kể lại một vụ án. Sau khi sử dụng súng bắn đạn hoa cải bắn chết người vào giữa năm 2009, Đỗ Văn Tuấn và Phạm Văn Tuấn cùng ở phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân (Hải Phòng) đã bỏ trốn. Hai tên bị cơ quan công an ra lệnh truy nã đặc biệt… Được giao nhiệm vụ vận động hai đối tượng này ra đầu thú, anh đã cùng Trung tá Trần Văn Vị dày công tìm hiểu hoàn cảnh và mối quan hệ, nhận định những nơi đối tượng lẩn trốn. Đồng thời qua tài liệu thu thập được về nhân thân, các anh đã tìm đến nhà gửi thư kêu đầu thú; động viên, thuyết phục để người thân hiểu được sự khoan hồng của pháp luật.
“Thế nhưng, không phải cứ đến nhà nói xong là gia đình các đối tượng nghe ra ngay, mà lúc đầu họ đều tỏ ra bất hợp tác, thậm chí còn dắt tay cán bộ… đuổi ra ngoài” – Trung tá Nguyễn Trường Tam tâm sự. Nhưng trước những lý lẽ chân tình, sự kiên trì của các anh, gia đình của cả hai đối tượng này đã chấp nhận hợp tác, đi tìm con em mình để động viên ra đầu thú… Ngày “trở về”, hai đối tượng này đã được cán bộ công an vào tận Thanh Hóa “đón” ra, mà không phải chịu một sự khống chế nào. Thậm chí lại còn được cho ăn uống, nghỉ ngơi… Cảm nhận được sự ân cần, chu đáo đó, tại cơ quan điều tra, các đối tượng này đều đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình cùng nơi cất giấu khẩu súng bắn đạn hoa cải là tang vật vụ án.
Còn với Lê Minh Tuấn, sinh 1968, ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), đã tròn 10 cái Tết đi qua, nhưng mãi đến Tết Canh Dần 2010 mới lại được về ăn Tết cùng gia đình. Tranh thủ những ngày còn được ở nhà, Tuấn đi thăm hỏi và… chia tay họ hàng, làng mạc để ra Tết lên đường đi thụ án… “Đúng hẹn”, sau khi được về nhà ăn Tết, Tuấn đến Công an quận Kiến An trình diện. Ngồi trong trụ sở cơ quan công an, Tuấn ngượng nghịu cho biết, cách đây hơn 10 năm, một người quen của Tuấn mang đến một số tài sản giá trị tương đối cao nhưng lại gạ bán với giá… rất bèo. Mặc dù biết đó là tài sản phi pháp nhưng trước món hời quá lớn, Tuấn lén lút mua lại, những mong sau đó bán đi kiếm lời. Vụ việc sau đó không lâu đã bị phát giác, Tuấn biết mình chắc chắn sẽ không thoát khỏi vòng lao lý nên đã bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh.
Sau vài tháng vật vờ, trốn chui, trốn lủi nơi đất khách quê người, số tiền Tuấn mang theo cũng đã cạn sạch. Để có tiền nuôi thân Tuấn đành phải đánh liều xin đi làm thuê, làm mướn, nay đây mai đó. Tuấn tâm sự, trong khoảng thời gian hơn 10 năm qua, chưa một lúc nào được sống thanh thản mà chỉ nơm nớp như có ai đó đang… theo dõi mình. Cũng không ít lần gia đình và cơ quan công an động viên Tuấn trở về ra đầu thú, nhưng nghĩ đến bản án lơ lửng trên đầu anh ta lại không dám quay về… Đến cuối năm 2009, sau nhiều lần được cán bộ Công an quận Kiến An đến thuyết phục, giải thích thông qua gia đình cho Tuấn biết chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với những người phạm tội biết ăn năn hối cải, lúc đó Tuấn mới yên tâm quay về… chịu tội. Khi từ TP Hồ Chí Minh ra, Tuấn đã xác định tư tưởng năm nay mình sẽ được đón Tết trong… trại giam. Thế nhưng, khi đến cơ quan công an trình diện, Tuấn không những được cán bộ công an đón tiếp ân cần mà còn được cho về nhà, sau Tết mới phải lên thụ án.
Lưu Hữu Thắng, sinh năm 1973, ở đường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An. Trước đó vào khoảng giữa năm 2009, chỉ vì xích mích nhỏ đã cùng đồng bọn dùng dao, gậy và chai lọ đánh hai anh em Nguyễn Văn Quyết và Nguyễn Văn Nhất, ở xã Hồng Thái, huyện An Dương trọng thương. Gây án xong, Thắng đã nhanh chân bỏ trốn… Đến đầu năm 2010, Thắng nhận được thư kêu gọi đầu thú. Lúc mới nhận thư Thắng lưỡng lự, chưa thật yên tâm. Thắng tưởng tượng ra cảnh tù tội, nên dằn vặt mãi mà vẫn không dám ra đầu thú. Đến khi nhận được thông tin từ vợ cho biết, đã được cán bộ giải thích, động viên, nếu sớm ra đầu thú thì sẽ được hưởng sự khoan hồng, còn không sẽ phải chịu tội nặng thêm, Thắng đã tự đến cơ quan công an đầu thú. Gặp chúng tôi, Thắng tâm sự, đến bây giờ đã hoàn toàn yên tâm không chỉ bởi được cơ quan công an đối xử ân cần, đúng mực, cũng như sẽ được hưởng sự khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt của pháp luật để sớm được trở về với gia đình và cộng động…
Theo số liệu báo cáo của Công an thành phố Hải Phòng, năm 2009 đã bắt 426 đối tượng truy nã, trốn thi hành án, trong đó có 92 đối tượng được vận động ra đầu thú. Riêng trong đợt cao điểm tiến công, trấn áp tội phạm trước và sau Tết Canh Dần 2010, các lực lượng đã bắt 124 đối tượng truy nã, trốn thi hành án, trong đó có 43 đối tượng được vận động ra đầu thú. Một số đơn vị, địa phương đạt được kết quả cao trong đợt này là: Phòng CSĐTTP về TTXH CATP; CA quận Kiến An; CA huyện An Dương; CA huyện Thủy Nguyên… |
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()