Lối thoát nào cho các doanh nghiệp sản xuất xi-măng ?
Bốc xếp, vận chuyển xi-măng đi tiêu thụ tại Công ty xi-măng Hoàng Thạch (Hải Dương). ( Ảnh: TRẦN NGA )Theo đánh giá của Bộ Xây dựng và Hiệp hội Xi-măng Việt Nam, bức tranh toàn cảnh ngành xi-măng năm nay đã, đang và sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp (DN) sản xuất, tiêu thụ xi-măng đều không đạt các chỉ tiêu kế hoạch, thậm chí nhiều nhà máy có nguy cơ "đóng cửa". Hiện nay, lượng tồn kho lên tới gần ba triệu tấn xi-măng, trong khi sản lượng tiêu thụ đều giảm so cùng kỳ, cung vượt cầu khoảng sáu triệu tấn. Để tìm lối thoát, không chỉ trông chờ vào những chính sách tháo gỡ khó khăn từ phía Chính phủ và các bộ, ngành liên quan mà cần nỗ lực từ chính các DN sản xuất xi-măng.Tồn kho lớn, nợ nhiềuTổng công ty công nghiệp xi-măng Việt Nam (Vicem), đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong ngành xi-măng đang phải gồng mình vượt qua những khó khăn. Năm tháng đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ xi-măng của Vicem đạt khoảng 6,13 triệu tấn, giảm gần 16%, thị phần giảm...
Bốc xếp, vận chuyển xi-măng đi tiêu thụ tại Công ty xi-măng Hoàng Thạch (Hải Dương). ( Ảnh: TRẦN NGA ) |
Tồn kho lớn, nợ nhiều
Tổng công ty công nghiệp xi-măng Việt Nam (Vicem), đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong ngành xi-măng đang phải gồng mình vượt qua những khó khăn. Năm tháng đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ xi-măng của Vicem đạt khoảng 6,13 triệu tấn, giảm gần 16%, thị phần giảm khoảng 2% so cùng kỳ. Cùng chung số phận là bộ ba nhà máy xi-măng Cẩm Phả của Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), xi-măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà và xi-măng Đồng Bành của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma) thuộc Tập đoàn Sông Đà, tổng sản lượng tiêu thụ xi-măng trong quý I lần lượt là 20%, 10% kế hoạch năm, đặc biệt xi-măng Đồng Bành mới khởi động lại đầu tháng 5 do lượng tồn kho khá lớn và không tiêu thụ được. Mặc dù được đầu tư dây chuyền mới, hiện đại nhưng đứng trước những khó khăn chung của thị trường và tình hình tài chính nội tại của DN cho nên nguy cơ đóng cửa nhà máy đang treo lơ lửng trước mắt.
Lý giải những khó khăn mà các DN xi-măng đang gặp phải, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho rằng, nguyên nhân khách quan là do tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế nước ta. Đồng thời, Chính phủ thực hiện quyết liệt chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng, giảm đầu tư công… theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, cộng thêm cú sốc do các nguồn chi phí đầu vào tăng mạnh (từ năm 2011 đến nay, than tăng 170%, điện tăng 19%, dầu tăng 40%), thị trường bất động sản đóng băng, đặc biệt là lãi suất ngân hàng tăng mạnh, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ lớn cho nên các DN xi-măng hầu hết không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng không đáng kể.
Là DN lớn và chủ đạo trong Vicem, Công ty TNHH một thành viên Xi-măng Vicem Hoàng Thạch (công suất thiết kế 3,5 triệu tấn/năm) đang phải nỗ lực vượt qua giai đoạn mà theo đánh giá là khó khăn nhất từ trước đến nay. Tiêu thụ sản phẩm sáu tháng qua chỉ bằng 67% so cùng kỳ năm 2011. Tổng Giám đốc Công ty Xi-măng Hoàng Thạch Đào Ngọc Bình cho biết, khó khăn nhất hiện nay là cân đối sản xuất – tiêu thụ – lợi nhuận. Trong khi đó, tại một số địa bàn, có những DN sản xuất xi-măng lò quay bắt đầu bán phá giá, thấp hơn giá bình thường 300 nghìn đồng, thậm chí là 500 nghìn đồng/tấn để đẩy hàng tồn kho. Hiện nay, khách hàng đến đặt hàng công ty không giảm, song nhiều khách hàng không có tiền thanh toán, muốn “mua chịu” cho nên công ty không thể đáp ứng vì như vậy sẽ dẫn đến nợ xấu, khó đòi, không bảo toàn được vốn.
Cần có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ
Mặc dù đã có nhiều tín hiệu tích cực hy vọng đem lại nguồn sinh khí mới cho ngành xi-măng khi lãi suất ngân hàng bắt đầu giảm, lĩnh vực bất động sản ấm lên, tuy nhiên chặng đường gian khó vẫn còn dài, đòi hỏi nỗ lực trước hết từ phía các doanh nghiệp. Việc tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất đang được nhiều DN xi-măng hưởng ứng mạnh mẽ, trong đó Vicem là đơn vị tích cực nhất. Vicem đã ký văn bản tiết kiệm với các công ty thành viên, phấn đấu trong năm nay tiết kiệm thêm 439 tỷ đồng, đồng thời đẩy nhanh việc nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ xi- măng ế ẩm, lượng tồn kho lớn, các “chiêu” khuyến mãi bán hàng không đem lại hiệu quả như mong đợi, thì việc nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới phần nào đã tạo một lối thoát cho các nhà sản xuất xi-măng. Mới đây, sản phẩm xi-măng chuyên dụng xây trát cao cấp MC25 đã được một loạt nhà máy như: Hà Tiên, Bút Sơn, Tam Điệp và Hoàng Thạch cho ra đời, đã được thị trường chấp nhận và có mức tiêu thụ khá tốt. Tổng Giám đốc Vicem Tam Điệp Nguyễn Sỹ Ngọc cho biết, hiện MC25 của Bút Sơn và Tam Điệp được tiêu thụ tốt trên thị trường và không có tồn kho. Có thể nhờ dòng sản phẩm mới này mà trong tháng 4 và tháng 5, sản lượng tiêu thụ của Bút Sơn và Tam Điệp sẽ vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo ông Ngọc, do đây là sản phẩm mới, đang trong quá trình thâm nhập thị trường, cho nên lợi nhuận thu về chưa cao. Thành công của dòng sản phẩm MC25 khiến thị phần của dòng sản phẩm truyền thống PCB30 và PCB40 bị sụt giảm. Vì vậy, các DN xi-măng khác như Holcim, Fico Tây Ninh, Hà Tiên… cũng đã tung ra thị trường dòng sản phẩm mới với tên gọi xi-măng đa dụng, với giá thành thấp hơn dòng xi-măng PCB30 từ 180 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/tấn.
Các sản phẩm mới không chỉ giúp các nhà sản xuất xi-măng thoát khỏi khó khăn trong bối cảnh hiện tại, mà người tiêu dùng còn được hưởng lợi do dòng sản phẩm mới này có chất lượng tốt, nhưng giá bán lại thấp hơn dòng xi-măng cũ từ 15 đến 20% (kể cả khuyến mãi).
Một trong những hướng đi cũ nhưng luôn được quan tâm là xuất khẩu xi-măng. Hiện nay, các DN xi-măng đang đẩy nhanh tìm kiếm thị trường xuất khẩu và đến nay toàn ngành đã xuất được khoảng 12% tổng sản lượng. Mặc dù về dài hạn, việc xuất khẩu xi-măng không có lợi nhưng tại thời điểm khó khăn này, xuất khẩu đang mang lại những hiệu quả tích cực, giúp giảm áp lực tiêu thụ nội địa, duy trì sản xuất, kinh doanh, tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần có sự trao đổi, bàn bạc, hợp tác trong việc xuất khẩu xi-măng để các DN tham gia cùng có lợi, tránh tình trạng tự ý hạ giá khiến việc xuất khẩu đã ít hiệu quả lại càng là nguyên nhân gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng với chức năng quản lý ngành đang xúc tiến, tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực xi-măng, trợ giúp họ mua lại một phần cổ phiếu hoặc toàn bộ các dự án xi-măng đang gặp khó khăn. Đồng thời cùng Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh chương trình phát triển đường giao thông bằng bê-tông. Hai bên đang nghiên cứu, bàn thảo nhiều đề án hợp tác để sử dụng xi-măng cho các công trình hạ tầng. Mặc dù còn chậm, nhưng đây là một trong những hướng đi quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành xi-măng. Việc các DN xi-măng gặp khó khăn như hiện nay cũng một phần là do công tác dự báo quy hoạch. Mặc dù Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, ngành xi-măng hiện đang gặp khó khăn nhưng đây là khó khăn chung của cả nền kinh tế và không thể đổ lỗi hết cho quy hoạch ngành xi-măng, nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Văn Thiện thì cũng đã đến lúc rà soát đầu tư phát triển xi-măng theo hướng giảm, hoãn hoặc ngừng hẳn một số dự án xi-măng để tránh tình trạng dư thừa như hiện nay. Cùng chung nhận xét, nhiều chuyên gia cho rằng để tháo gỡ khó khăn hiện nay, bên cạnh những nỗ lực của DN, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp thực tiễn hơn. Chẳng hạn như: tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm xi-măng, giảm và giãn thuế VAT ở mức hợp lý. Cho phép được chậm nộp thuế từ ba đến sáu tháng hoặc cho DN vay lại khoản thuế phải nộp, đồng thời giữ ổn định tỷ giá, giảm lãi suất vay xuống còn 12 đến 14%/năm, bảo đảm về giá than, điện ổn định, có lộ trình cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó có cơ chế hỗ trợ tài chính, khuyến khích đầu tư phát triển chiều sâu cho các dự án tận dụng nhiệt khí thải, các dự án cải tiến công nghệ… vì đây là một trong những mục tiêu được ưu tiên trong phát triển xi-măng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững của DN sản xuất xi-măng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()