Lối thoát khủng hoảng ở Libya
Lộ trình thúc đẩy quá trình chuyển tiếp chính trị ở Libya rơi vào bế tắc sau khi quốc gia Bắc Phi này “lỡ hẹn” với các cuộc bầu cử theo kế hoạch. Cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc hối thúc các phe phái ở Libya gạt bỏ bất đồng và sớm khôi phục tiến trình bầu cử, coi đây là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Libya đã không thể tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội theo lịch trình đã định vào cuối năm ngoái do các phe phái chính trị bất đồng sâu sắc về cơ sở Hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia cũng như các quy định về ứng cử viên. Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah là đối thủ của Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh. Quốc hội Libya do ông Saleh đứng đầu có trụ sở tại thành phố miền đông Tobruk, trong khi Chính phủ thống nhất dân tộc (GNU) của Thủ tướng Dbeibah đặt tại Tripoli ở miền tây. Sau khi các cuộc bầu cử bị trì hoãn, các đối thủ chính trị của ông Dbeibah tuyên bố rằng nhiệm vụ của GNU đã kết thúc.
Trong nỗ lực nhằm thay thế Thủ tướng Dbeibah, Quốc hội Libya đã công bố các tiêu chí lựa chọn ứng cử viên cho vị trí thủ tướng lâm thời. Theo đó, nhân vật được lựa chọn phải cam kết không ứng cử trong các cuộc bầu cử sau này, chỉ có quốc tịch Libya và nhận được sự ủng hộ của ít nhất 25 nghị sĩ. Chủ tịch Quốc hội Saleh nhấn mạnh, nhiệm vụ và nhiệm kỳ của GNU đã kết thúc và cơ quan lập pháp sẽ không chấp nhận bất kỳ lập luận nào nhằm bảo vệ GNU. Ông Saleh khẳng định rằng, Quốc hội Libya và Hội đồng cấp cao Nhà nước Libya sẽ không thể soạn thảo lại Hiến pháp, đồng thời nêu rõ công việc này nên được giao cho các chuyên gia pháp lý.
Tiến trình bầu cử là một phần trong lộ trình chính trị được Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya thông qua, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Việc trì hoãn bầu cử không chỉ ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình của Libya mà còn cho thấy những thách thức lớn và bất đồng sâu sắc giữa các phe phái cản trở cuộc bỏ phiếu vốn đóng vai trò quan trọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 10 năm ở quốc gia Bắc Phi này.
Các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Libya thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Lo ngại việc trì hoãn bỏ phiếu sẽ gây ra những nguy cơ khó lường và đẩy Libya lún sâu hơn vào khủng hoảng, Liên hợp quốc kêu gọi các bên tại Libya ấn định lịch trình mới để tổ chức bầu cử tổng thống, thay vì một cuộc cải tổ chính phủ. Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya, bà Stephanie Williams (X.Uy-li-am) nhấn mạnh, Libya không cần một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài và tất cả các bên phải tập trung vào tiến trình bầu cử. Bà Williams cũng nhắc lại, bất kỳ đề xuất nào trong tương lai đều phải tính đến nguyện vọng của 2,5 triệu cử tri Libya. Đại sứ Mỹ và Đại biện lâm thời Nga tại Libya đã có cuộc gặp ở Tunisia để thảo luận về triển vọng khôi phục tiến trình bầu cử ở Libya. Đại sứ Mỹ cũng có các cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội và người đứng đầu Hội đồng cấp cao Nhà nước Libya về những diễn biến mới nhất tại quốc gia này cũng như tương lai của các cuộc bầu cử. Các nước đều nhấn mạnh về sự cần thiết phải duy trì tiến trình bầu cử và thúc đẩy tiến trình chính trị tại Libya. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng của Libya cho rằng phải ủng hộ một giải pháp nội bộ cho cuộc khủng hoảng và ngăn chặn mọi hình thức can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của quốc gia Bắc Phi.
Hơn 10 năm bị chiến tranh và xung đột tàn phá, sự hoành hành của các nhóm vũ trang, khủng bố, Libya rơi vào bất ổn nghiêm trọng. Trong bối cảnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây rủi ro cho tiến trình chính trị Libya, ngoài sự nhượng bộ cần thiết giữa các phe phái ở nước này, cần chấm dứt sự can thiệp từ bên ngoài, trong đó tất cả lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê phải rút khỏi lãnh thổ Libya. Chỉ khi các cuộc bầu cử được tổ chức nhằm bầu ra các nhà lãnh đạo đáp ứng nguyện vọng của người dân thì Libya mới thoát khỏi khủng hoảng và đưa đất nước từng có một thời “vàng son” trở lại quỹ đạo phát triển.
Ý kiến ()