Thực tế thời gian qua cho thấy ngành nông nghiệp đang nỗ lực tham gia và đạt được những thành công nhất định trong xuất khẩu các sản phẩm gạo, tiêu, cà-phê, thủy sản… mang lại kim ngạch lớn và đang tiếp tục mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu. Để cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác, ngành nông nghiệp nước ta cần phát triển theo hướng áp dụng giống có năng suất cao, phương pháp sản xuất lớn, hiện đại để giảm chi phí, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng đạt chuẩn, ổn định, đồng đều (chất lượng có thể cao hay thấp tùy nhu cầu của người tiêu dùng, các nước nghèo chỉ cần sản phẩm chất lượng vừa phải nhưng giá rẻ, còn các nước giàu đòi hỏi nông sản sạch, ngon, giá có thể cao).
Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi có sự thay đổi trong tư duy của cả Nhà nước lẫn người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, không nhất thiết đưa toàn bộ ngành chăn nuôi, trồng trọt đối đầu trực diện với các nước khác, mà có thể dành một tỷ lệ nhất định cho việc sản xuất các sản phẩm theo lối truyền thống, đặc sản của từng vùng, miền: gạo Tám xoan, nếp cái hoa vàng, gà ta, lợn đen, thịt trâu gác bếp, rau sạch, hoa quả địa phương… Những sản phẩm này vốn mang đặc trưng của hương vị Việt Nam, độc đáo, trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm được sản xuất theo lối công nghiệp. Dĩ nhiên, khi thành lập những vùng chuyên canh các sản phẩm này, chi phí sẽ cao hơn, năng suất thấp hơn, không thể gia tăng sản lượng tùy ý, nhưng bù lại chúng lại cho giá trị kinh tế cao hơn, và gần như không phải cạnh tranh với sản phẩm từ các nước khác.
Thực tế cho thấy, sản xuất các sản phẩm nông sản theo lối truyền thống đang dần dần trở lại. Nông sản với giống địa phương, được làm ra theo lối truyền thống, thủ công, được quảng cáo là “đặc sản”, “thực phẩm sạch”, “trồng như các cụ ngày xưa” đang trở thành “mốt”, và có giá cao so với sản phẩm sản xuất đại trà theo lối công nghiệp hoặc thực phẩm biến đổi gien. Tuy gọi là theo lối truyền thống nhưng nhiều phương tiện sản xuất đã được hiện đại hóa để giảm bớt sức lao động, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ chất lượng đồng đều, ổn định…, tức là đã ở cấp độ cao hơn và từng bước đáp ứng nhu cầu của một bộ phận cư dân trong nước có thu nhập tương đối cao, khó tính, cầu kỳ. Khi đó, giá của các sản phẩm này sẽ tăng theo quy luật cung cầu và người sản xuất sẽ được hưởng lợi mà không cần (vì thật ra là không thể) gia tăng sản lượng, miễn là bảo đảm chất lượng. Thịt bò Kobe có giá cao ngất ngưởng ở ngay tại Nhật Bản chính vì lý do này – nguồn cung có hạn. Tiếp đó có thể chiếm lĩnh thị trường bên ngoài, tương tự như điều mà pho-mát Hà Lan, rượu vang Pháp, xúc xích Đức làm theo lối thủ công đã thực hiện được.
Đương nhiên sản phẩm truyền thống không thể rập khuôn lối sản xuất xưa kia, mà vẫn cần bài bản, đưa các kiến thức, kỹ thuật hiện đại vào. Đầu tiên, phải chú trọng việc sử dụng và bảo tồn giống đặc sản, để giữ mãi hương vị độc đáo, riêng có của những sản phẩm ấy. Về canh tác, lấy thí dụ, tuy trồng rau sạch không dùng phân hóa học mà chỉ dùng phân hữu cơ, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu người nông dân biết chính xác tính chất thổ nhưỡng tại khu vườn, thửa ruộng của mình để có phương thức chăm bón và chọn loại cây trồng phù hợp.
Sản xuất đặc sản theo lối này không khó. Cái khó là niềm tin, là chiến lược xây dựng, quảng bá thương hiệu một cách bài bản, thông minh cả ở trong và ngoài nước. Trước tiên là lấy lại niềm tin của người tiêu dùng vốn đã mất mát nặng nề do lối làm ăn chụp giật, thiếu lương tâm của một bộ phận không nhỏ người sản xuất, chỉ thấy cái lợi trước mắt, và do sự bất lực của các cơ quan quản lý Nhà nước. Làm sao để người tiêu dùng tin tưởng rằng đó đúng là sản phẩm sạch, được làm theo lối gia truyền, sản phẩm của đúng địa phương theo chỉ dẫn địa lý, chứ không phải được sản xuất tại nơi nào đó cách xa vài chục, vài trăm cây số bằng những nguyên liệu, theo những cách thức “có giời mới biết”.
Bên cạnh đó, cần đầu tư cho việc “làm thương hiệu”. Có rất nhiều những việc cần làm như đặt tên thương hiệu sao cho rất Việt Nam mà người nước ngoài cũng dễ nghe, dễ hiểu, dễ nói, đến đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ thương hiệu, thành lập những đơn vị hỗ trợ pháp lý cả ở trong và ngoài nước để không bao giờ lặp lại những câu chuyện như kẹo dừa Bến Tre mà sản xuất ở Trung Quốc, hay nước mắm Phú Quốc nhưng là của Thái-lan. Xây dựng những câu chuyện, thông điệp ý nghĩa gắn với những sản phẩm, địa danh cụ thể; thực hiện chiến dịch truyền thông quảng bá nhắm vào những thị trường, khách hàng mục tiêu, sử dụng các kênh truyền thông xã hội mà sức lan tỏa đang vô cùng lớn hiện nay…
Tóm lại, cần tái cơ cấu, vạch ra con đường của nông nghiệp Việt Nam là phát triển theo cả hai hướng, cả sản xuất theo lối hiện đại, quy mô lớn, lẫn sản xuất ở quy mô nhỏ, tầm cỡ hộ gia đình, theo lối truyền thống nhưng sử dụng công cụ, cách làm hiện đại. Cơ hội đã trông thấy, cách thức nắm bắt cơ hội cũng đã có, vấn đề chỉ còn là hành động mà thôi.
Ý kiến ()