Việc QH Hy Lạp thông qua kế hoạch kinh tế khắc khổ giai đoạn 2012-2015, với số phiếu sít sao (155 phiếu ủng hộ trong tổng số 300 nghị sĩ của QH) được ví như 'chiếc phao cứu sinh' cho con tàu nợ công sắp chìm của Hy Lạp. Bởi, kế hoạch này là điều kiện tiên quyết để A-ten nhận được khoản cứu trợ tài chính thứ năm trị giá 12 tỷ ơ-rô (17 tỷ USD) thuộc gói cứu trợ 110 tỷ ơ-rô của Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong bối cảnh các khoản nợ trên vai Hy Lạp sắp đến ngày đáo hạn. Hy Lạp sẽ là nước thành viên đầu tiên của EUROZONE vỡ nợ nếu không nhận được khoản cứu trợ khẩn cấp trong tháng 7. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng, Hy Lạp cần tìm hướng giải quyết khoản nợ công khổng lồ 340 tỷ ơ-rô, tương đương 150% GDP của nước này.
Kế hoạch 'thắt lưng buộc bụng' do Chính phủ của Thủ tướng Pa-pan-đrê-u đề xuất tập trung vào các biện pháp mạnh, như tăng thuế, giảm chi tiêu nhằm tiết kiệm 28,4 tỷ ơ-rô (40 tỷ USD) và cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước để thu về 50 tỷ ơ-rô từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ đạt, vì kể từ năm 2000, tiến trình tư nhân hóa mới chỉ thu về cho Hy Lạp mười tỷ ơ-rô. Thủ tướng Pa-pan-đrê-u thừa nhận, không có 'Kế hoạch B' để cứu Hy Lạp, do vậy, cần cắt giảm lương trong khu vực công 15% và lương hưu 10%. Trước đó, để nhận được gói cứu trợ chung trị giá 110 tỷ ơ-rô của EU và IMF, Hy Lạp đã buộc phải cam kết thực hiện các biện pháp khắc khổ nhằm giảm thâm hụt ngân sách, vốn đã tăng lên mức kỷ lục hơn 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2009.
Sau khi gói cứu trợ chung có hiệu lực từ tháng 5-2010, Hy Lạp đã tiết kiệm 14 tỷ ơ-rô năm 2010, giúp nước này giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 10,5% GDP. Theo báo cáo của Chính phủ Hy Lạp, hai phần ba khoản tiết kiệm này là nhờ các biện pháp cắt giảm chi tiêu, còn lại là từ tăng thuế.
Các điều khoản của kế hoạch 'thắt lưng, buộc bụng' được ấn định sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa Chính phủ Hy Lạp với EU và IMF. Hy Lạp đã sử dụng nhiều biện pháp thương lượng nhằm giảm bớt các điều kiện khắt khe của EU và IMF, như tuyên bố khả năng rút khỏi EUROZONE, gây sức ép với các định chế tài chính và công ty xếp hạng tín dụng. A-ten tuyên bố cần thêm từ hai đến bốn năm so kế hoạch ban đầu để giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước từ 10,5% GDP năm 2010 xuống dưới mức trần 3% GDP (theo quy định của EU) vào năm 2015.
Quyết định của QH Hy Lạp thông qua kế hoạch kinh tế khắc khổ mới không chỉ được các nước thành viên EUROZONE, EU mà nhiều nước, trong đó có Mỹ hoan nghênh. EU khó có thể bỏ mặc Hy Lạp vỡ nợ, bởi Hy Lạp vỡ nợ sẽ kéo theo hiệu ứng dây chuyền không chỉ giới hạn trong châu Âu, trong khi nền kinh tế số một thế giới bên kia bờ Đại Tây Dương cũng đang trong trạng thái ốm yếu.
Trong khi đó, người dân Hy Lạp lại kịch liệt phản đối kế hoạch kinh tế khắc khổ này. Hàng nghìn người đã biểu tình, bao vây trụ sở QH ở Thủ đô A-ten ngăn cản các nghị sĩ vào bỏ phiếu. Nhiều kẻ quá khích ném bom xăng và tiến công cảnh sát, trong khi lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình. Cùng lúc đó, cuộc tổng đình công do các nghiệp đoàn Hy Lạp phát động đã khiến giao thông rối loạn, ngân hàng ngừng giao dịch, trường học và nhiều cơ quan đóng cửa. Họ cho rằng, các điều khoản ngặt nghèo của kế hoạch này sẽ khiến nhiều người lao động mất việc làm, lương và các khoản trợ cấp bị cắt giảm, đời sống thêm khó khăn. Họ chỉ trích gói cứu trợ tài chính quốc tế dành cho Hy Lạp thực chất là khoản cho vay với lãi suất cao 5%, trong khi EU và IMF chỉ mất 3% lãi suất vay.
Hy Lạp sẽ sớm nhận được khoản cứu trợ khẩn cấp 12 tỷ ơ-rô, nhằm tránh rơi vào cảnh vỡ nợ trước mắt. Bên cạnh sự hỗ trợ của EU và IMF, chính quyền Hy Lạp đang loay hoay giải bài toán huy động mọi nguồn lực trong nước để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và bảo đảm đời sống của người lao động.
Ý kiến ()