Lợi nhuận sau thuế của SCIC tăng hơn 2,5 lần trong năm 2021
Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, doanh thu cả năm 2021 đến 31/12 ước đạt 7.213 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 8.563 tỷ đồng, bằng 259% kế hoạch năm 2021.
Con số lợi nhuận tăng hơn 2,5 lần được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố trong buổi làm việc về hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này trong năm 2021 và triển khai hoạt động năm 2022 diễn ra ngày 12/1, tại Hà Nội.
Chia sẻ tại buổi làm việc ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, doanh thu cả năm 2021 đến 31/12 ước đạt 7.213 tỷ đồng, bằng 111% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 8.563 tỷ đồng, bằng 259% kế hoạch năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.577 tỷ đồng.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư, lãnh đạo SCIC cho biết, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, SCIC đã đầu tư 6.895 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại Vietnam Airlines, chiếm tỷ lệ sở hữu 31%.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, SCIC đã triển khai nghiên cứu một số cơ hội đầu tư, như dự án hợp tác với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas); Quỹ khoa học công nghệ của SCIC tài trợ cho hoạt động khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Dự án khu công nghiệp kỹ thuật cao Chân Mây, Cảng Cái Mép Hạ-Bà Rịa Vũng Tàu, Khu công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, dự án Thành lập quỹ đầu tư với Mirae Asset, dự án đường cao tốc khu vực phía Nam.
Trong năm 2021, công tác tiếp nhận và quản trị vốn cũng được thực hiện hiệu quả, đến tháng 12/2021, danh mục của SCIC có 145 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 46.542 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 147.649 tỷ đồng.
Công tác quản trị với vai trò cổ đông và hệ thống Người đại diện vốn của SCIC được đảm bảo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, bảo toàn và tăng trưởng giá trị vốn Nhà nước.
Tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò quan trọng trong danh mục của SCIC như: CTCP Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)…
Bên cạnh đó, công tác bán vốn cũng được SCIC chú trọng, đến 31/12/2021, SCIC đã thực hiện công bố thông tin bán vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó đấu giá thành công tại 06 doanh nghiệp.
Doanh thu bán vốn ghi nhận năm 2021 đạt 1.390 tỷ đồng trên giá vốn 457 tỷ đồng, đạt chênh lệch bán vốn 933 tỷ đồng. Như vậy doanh thu và chênh lệch bán vốn tương ứng đạt 169% và 297% so với kế hoạch.
Tại buổi làm việc, ông Tùng cho biết, trong năm 2022, SCIC sẽ tập trung cao vào các giải pháp về xây dựng thể chế, chiến lược trong đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược Phát triển SCIC giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2035; chủ động triển khai xây dựng báo cáo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành Quỹ Đầu tư Chính phủ.
Trong công tác quản trị doanh nghiệp, tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp; áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước chi phối và có vai trò quan trọng trong danh mục.
Trong công tác đầu tư, SCIC sẽ báo cáo Ủy ban, các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC; tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế về đầu tư kinh doanh vốn của SCIC./.
Ý kiến ()