"Lội ngược dòng” trong đại dịch
Năm 2020-2021, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị gián đoạn do cuộc càn quét của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia thậm chí dự báo ghi nhận mức tăng trưởng âm thì trên một khía cạnh khác, ở châu Á, Covid-19 đã đem lại sự phát triển bứt phá của một lĩnh vực, đó là thương mại điện tử (TMĐT).
Theo eMarketer, trong tốp 10 nền kinh tế có doanh thu TMĐT hàng đầu thế giới năm 2020, châu Á đã đóng góp tới 4 gương mặt: Trung Quốc (đứng đầu với gần 2.297 tỷ USD), Nhật Bản (xếp thứ 4 với 141,26 tỷ USD), Hàn Quốc (xếp thứ 5 với 110,6 tỷ USD), Ấn Độ (xếp thứ 8 với 55,35 tỷ USD). Năm 2021, tốp 10 nước đứng đầu này được dự báo vẫn không bị xáo trộn khi doanh thu TMĐT của các nước này tiếp tục tăng tốc, bỏ xa các nước còn lại.
Tại khu vực Đông Nam Á-một trong những thị trường được đánh giá có tiềm năng về doanh thu và quy mô thị trường, theo báo cáo kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, doanh thu TMĐT khu vực này là 62 tỷ USD (năm 2019 là 38 tỷ USD). Dự báo đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 172 tỷ USD. Trong số các nước ASEAN thì 3 quốc gia: Indonesia, Thái Lan, Philippines được dự báo có mức doanh thu TMĐT tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới. Năm 2020, mức doanh thu của TMĐT ở Indonesia là 32 tỷ USD, Thái Lan là 9 tỷ USD nhưng tới năm 2025, con số này được dự báo sẽ đạt mức 83 tỷ USD và 24 tỷ USD.
Thương mại điện tử nở rộ trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images |
Ngay cả đối với Việt Nam, dù sở hữu một nền TMĐT non trẻ so với các quốc gia trong khu vực nhưng theo Sách trắng TMĐT Việt Nam công bố vào tháng 7-2021, TMĐT Việt Nam năm 2020 đạt doanh thu 11,8 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2019. Với gần 50 triệu người tiêu dùng tham gia trên các sàn TMĐT, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ người tham gia mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực. Với mức tăng trưởng ấn tượng đó, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành mảnh đất hấp dẫn cho TMĐT tại khu vực Đông Nam Á.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự tăng trưởng bứt phá của các nước ở khu vực châu Á được cho là bắt nguồn từ chính đại dịch Covid-19. Khi các biến thể của virus SARS-CoV-2 lan rộng khắp toàn cầu, đặc biệt ở châu Á, số người mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 tăng cao, tốc độ phủ vaccine ngừa Covid-19 còn chậm khiến cho nhiều quốc gia phải ban bố lệnh phong tỏa có thời hạn hoặc áp dụng các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng buộc phải tìm cách thích nghi với việc mua sắm từ xa để không phải bước chân ra khỏi nhà.
Và TMĐT được xem là phương thức “cứu cánh” cho nhiều doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh sản xuất, đồng thời mở rộng kênh phân phối và góp phần thúc đẩy sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Trên nền tảng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mạng internet phủ sóng rộng khắp, các thiết bị điện tử thông minh trở nên phổ biến thì giao dịch TMĐT đem lại cho người tiêu dùng vô số lợi ích: Có thể mua sắm bất cứ thời điểm nào, bất cứ ở đâu mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian; phương thức thanh toán đa dạng và linh hoạt; với vô vàn mặt hàng để bạn lựa chọn và so sánh, đối chiếu. Thậm chí, người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm với giá thấp hơn khi đến mua trực tiếp tại cửa hàng, bởi trên nền tảng TMĐT, doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều chi phí như phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên, điện, nước… Tức là cả người mua và người bán đều có lợi.
Trên thế giới, nhiều sàn TMĐT nổi tiếng vốn có thâm niên phát triển cũng đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021, có thể kể tới như: eBay, Amazon, Alibaba, Taobao, BestBuy… Việt Nam cũng có các sàn TMĐT với lượng giao dịch hằng ngày rất lớn như: Shopee, Sendo, Tiki, Lazada, Voso… Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều đặc sản vùng, miền như vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên… tưởng như mắc kẹt trong vùng dịch và đã phải tính đến phương án giải cứu thì sau khi được đưa lên sàn TMĐT đã trở nên hút khách và được tiêu thụ nhanh chóng, tạo tiền đề giải bài toán tìm đầu ra cho nông sản Việt trong mùa dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích rõ ràng, đối với người tiêu dùng, vẫn tồn tại những mối lo ngại khi mua sắm trực truyến, đó là vấn đề giá (cùng loại sản phẩm nhưng giá trên các sàn khác nhau); chất lượng sản phẩm trong thực tế kém hơn so với trên quảng cáo, và đặc biệt là sự lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ…
Khi các nước bắt đầu khống chế được dịch Covid-19, tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống, các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội được gỡ bỏ, cuộc sống dần trở lại nếp sinh hoạt bình thường thì các hoạt động mua bán trực tiếp, bao gồm các cửa hàng truyền thống sẽ dần mở cửa trở lại. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi ngay cả khi các cửa hàng mở cửa trở lại hoàn toàn và đại dịch trở thành ký ức. Trên thực tế, thói quen của người mua sắm, cũng như nhiều khía cạnh khác của cuộc sống trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21 sẽ là sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và các nền tảng kỹ thuật số.
Ý kiến ()