Lối mở cho Afghanistan
Việc lực lượng Taliban nắm quyền Afghanistan đề xuất tiến hành đàm phán trực tiếp với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia này là một tín hiệu đáng mừng.
Afghanistan đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khi hơn một nửa dân số hằng ngày vẫn phải sống trong cảnh đói khổ, thiếu thốn mọi bề. Trong bối cảnh ấy, việc lực lượng Taliban nắm quyền Afghanistan đề xuất tiến hành đàm phán trực tiếp với cộng đồng quốc tế để thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia này là một tín hiệu đáng mừng.
Thông báo từ phái đoàn đại diện Taliban đang tham gia các cuộc đàm phán ở Geneva (Thụy Sĩ) cho biết Taliban kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng Afghanistan hợp tác nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Nam Á này.
Người dân thành phố Kandahar của Afghanistan nhận đồ cứu trợ từ Chương trình Lương thực thế giới (WFP), tháng 10-2021. Ảnh: Tân Hoa xã |
Taliban cũng khẳng định muốn tạo điều kiện cho mọi tổ chức cứu trợ tham gia hỗ trợ nhân đạo và hậu cần cho người dân Afghanistan, mở cửa biên giới và tạo hành lang an toàn cho các đoàn xe, tàu chở hàng và nhân viên cứu trợ.
Tổ chức Geneva Call cho biết thêm, trong cuộc đàm phán với các tổ chức phi chính phủ (NGO), lực lượng Taliban đã ký một cam kết, theo đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hành động nhân đạo có nguyên tắc ở Afghanistan và bảo đảm an toàn cho các nhân viên cứu trợ cũng như các hoạt động viện trợ nhân đạo.
Tất cả những con số thống kê đều cho thấy tình hình nhân đạo tại Afghanistan đang ngày càng xấu đi, đặc biệt sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8-2021, khiến Mỹ quyết định phong tỏa khối tài sản trị giá hơn 9 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan tại nước ngoài và các khoản viện trợ quốc tế dành cho quốc gia này cũng tạm thời bị gián đoạn.
Liên hợp quốc (LHQ) ước tính 23 triệu người Afghanistan, tương đương 55% dân số nước này, đang phải sống trong cảnh đói nghèo cùng cực. Cùng với đó, số người thất nghiệp không ngừng gia tăng, hầu hết công chức không được nhận lương trong suốt nhiều tháng; các hệ thống kinh tế, giáo dục, dịch vụ xã hội của Afghanistan cũng đang trên đà sụp đổ.
Cũng chính vì thế, việc các quan chức của Taliban chủ động thúc đẩy đối thoại, hợp tác với thế giới bên ngoài nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan là điều mà có lẽ rất nhiều người dân nước này đang mong chờ. Bên cạnh đó, đây cũng là cách để lực lượng Taliban đang nắm quyền tại Afghanistan chứng minh năng lực điều hành một đất nước từng hàng chục năm bị chiến tranh tàn phá, từ đó tìm kiếm khả năng được cộng đồng quốc tế công nhận.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11-2 đã ký một sắc lệnh nhằm giải ngân 7 tỷ USD thuộc sở hữu của chính phủ tiền nhiệm tại Afghanistan, vốn bị phong tỏa tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ ông Biden sẽ dành 3,5 tỷ USD trong số 7 tỷ USD đó để viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan. Đáng chú ý, chính quyền Taliban sẽ không được tiếp cận khoản tiền này.
Ngoài ra, LHQ mới đây cho biết sẽ sớm khởi động chương trình đổi hàng triệu USD sang đồng nội tệ Afghanistan để có nguồn tiền mặt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tại Afghanistan.
Cụ thể, thông qua Cơ chế Trao đổi nhân đạo (viết tắt là HEF), LHQ và các cơ quan cứu trợ nhân đạo sẽ được phép tiếp cận với nguồn tiền do các doanh nghiệp tư nhân Afghanistan nắm giữ, từ đó có thể sử dụng hàng chục triệu USD để chi trả cho các doanh nghiệp nước ngoài và nối lại hoạt động nhập khẩu thiết yếu phục vụ đời sống người dân Afghanistan. Tất nhiên, cơ chế này chỉ là giải pháp tạm thời và cần có sự chấp thuận của chính quyền Taliban.
Hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang dần vượt tầm kiểm soát có thể được coi là lối mở để lực lượng Taliban cũng như cả đất nước Afghanistan thoát khỏi tình cảnh hiện tại trước khi nghĩ đến một tương lai tươi sáng hơn.
Ý kiến ()