Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - Bản hùng ca bất tử
– Cách đây 76 năm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, để cổ vũ tinh thần đấu tranh của toàn dân, toàn quân ta chống lại kẻ thù xâm lược. Lời kêu gọi đó đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam hôm nay, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị.
Ngay sau khi giành được độc lập, đất nước phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách. Theo thỏa thuận giữa các nước đồng minh thắng trận, quân đội Tưởng Giới Thạch vào đóng tại miền Bắc, quân Anh (theo sau là quân Pháp) vào đóng tại miền Nam, làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật (lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới). Lúc này dân tộc ta ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù. Trong hoàn cảnh ấy, buộc Nhân dân ta phải cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ thành quả cách mạng.
Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, quân và dân Thủ đô đứng lên chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Lời kêu gọi có đoạn viết : “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ !”. Lời khẳng định đó là sự kết tinh truyền thống hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là sự tiếp nối ý chí “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” đã được Người khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập. Đó là “Lời hịch non sông” kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Chấp hành mệnh lệnh của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy, quân dân ta từ các thành phố, thị xã có quân Pháp chiếm đóng, đồng loạt nổ súng đánh địch, nhất là tại các thành phố lớn. Ngay tại thủ đô Hà Nội, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đồng bào, chiến sĩ ta kiên cường bám trụ, giành nhau với địch từng căn nhà, góc phố. Cùng với Hà Nội, quân dân ta ở khắp Bắc – Trung – Nam đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc chung sức, đồng lòng với ý chí sôi sục, niềm tin tất thắng. Mặt khác Đảng và Trung ương phát động phong trào “Nam tiến”, ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam chiến đấu, góp phần làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch. Nếu không chấp nhận cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp thì sẽ mất độc lập tự do mới giành được, mà “Độc lập tự do không thể cầu xin mà có được”.
Đã 76 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến. Đảng và Chính phủ do Hồ Chủ tịch đứng đầu đã đề ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, đó là từng bước loại bớt kẻ thù, tranh thủ thời gian, chuẩn bị tiềm lực để bước vào cuộc trường chinh 30 năm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tổ chức Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội, Hội đồng Nhân dân nhằm củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng nền móng cho chế độ mới. Phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất, xóa bỏ mọi thứ thuế vô lý; thực hiện giảm tô, chia lại ruộng công, tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn việt gian chia cho nông dân nghèo; mở lớp bình dân học vụ, kêu gọi toàn dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ; xây dựng “Quỹ độc lập” và phong trào “Tuần lễ vàng” huy động đóng góp tự nguyện của Nhân dân… Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn, ta đã cơ bản diệt được “giặc đói”, “giặc dốt”, giải quyết khó khăn về tài chính, từng bước tăng cường sức mạnh về quốc phòng, an ninh.
Bút tích của Bác. Ảnh: Tư liệu
Với sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi vẻ vang, chiến thắng hai đế quốc lớn mang lại độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước. Thực hiện thành công lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dù gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”.
Trải qua lịch sử và truyền thống của dân tộc, tiếp nối hào khí của bài thơ thần “Nam quốc Sơn hà” đời Lý; ”Hịch tướng sĩ” của đời Trần; “Bình Ngô đại cáo” đời Lê sơ… “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một áng hùng văn bất hủ, chứa đựng những giá trị tư tưởng của thời đại; là lời hịch động viên cả nước đứng lên chiến đấu chống giặc bằng thái độ kiên định, dứt khoát. Lời kêu gọi còn là bản cương lĩnh kháng chiến có tính khái quát cao, chứa đựng những quan điểm về đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc và khẳng định niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến tại các của ngõ thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Lời kêu gọi thiêng liêng ấy vang lên trong quá khứ rất xa, dù đã 76 năm, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và những bước tiến dài nhưng cho đến nay vẫn thể hiện vẹn nguyên tinh thần và mong ước của toàn dân tộc. Càng giá trị hơn khi bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào trở thành một tác phẩm được công nhận là “Bảo vật quốc gia”. Là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của nhân dân Việt Nam nói chung và của Đảng bộ, quân và dân Lạng Sơn nói riêng, nguyện luôn trung thành với sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng. Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Kỷ niệm 76 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12) là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, đồng sức, chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm! |
MAI TÙNG
Ý kiến ()