Lợi ích thiết thực từ sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục
(LSO) – Đánh giá chất lượng giáo dục giúp nhà trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu trong công tác nâng cao chất lượng, thể hiện tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ. Sáng kiến của cô giáo Dương Thị Nhị, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sữa, thành phố Lạng Sơn giúp giải quyết những khó khăn tại các trường trong việc tự đánh giá.
Năm 2019 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn Quốc gia đối với trường mầm non. Theo đó, các trường có thể lấy kết quả tự đánh giá về chất lượng nhà trường làm căn cứ để công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Thông tư 19 tuy thuận lợi nhưng quá trình triển khai tại các trường mầm non còn gặp nhiều khó khăn như: thông tin minh chứng chưa tiêu biểu, còn thừa hoặc thiếu minh chứng; việc xác định điểm mạnh, điểm yếu chưa sát với thực tế và chưa nêu bật được điểm mạnh của nhà trường; kế hoạch cải tiến chất lượng còn chung chung, chưa xác định rõ người, nhân lực, vật lực cần có để thực hiện… Để giải quyết những vấn đề trên, cô giáo Dương Thị Nhị đã nghiên cứu, thực hiện sáng kiến “Một số biện pháp chỉ đạo thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục, xây dựng trường mầm non Hoa Sữa, thành phố Lạng Sơn đạt chuẩn quốc gia”.
Giáo viên và học sinh Trường Mầm non Hoa Sữa, thành phố Lạng Sơn trong giờ học ngoài trời
Cô giáo Nhị cho biết: Là người đứng đầu nhà trường, tôi đã xây dựng kế hoạch tự đánh giá ngay từ tháng 8/29019 (sớm hơn kế hoạch hằng năm). Sáng kiến tập trung vào 2 cách làm là trực tiếp bồi dưỡng đội ngũ thực hiện công tác tự đánh giá và tích cực tham mưu, hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục tại trường.
Cụ thể trong việc bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tự đánh giá chất lượng giáo dục cho đội ngũ giáo viên nhà trường, cô giáo Nhị đã trực tiếp tập huấn, hướng dẫn giáo viên trong trường về kỹ năng thu thập, xử lý thông tin minh chứng, mã hóa thông tin; viết báo cáo tự đánh giá, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ tự đánh giá… Qua đó, 100% cán bộ, giáo viên được tập huấn, hướng dẫn, thành viên Tổ tự đánh giá của trường kịp thời phát hiện những tiêu chí chưa đạt yêu cầu và tham mưu lãnh đạo trường phương án khắc phục. Qua đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nắm được quy trình tự đánh giá, cách xác định thông tin minh chứng, thu thập thông tin minh chứng, viết phiếu đánh giá, sắp xếp hồ sơ, làm việc với đoàn đánh giá. Hồ sơ được mã hóa, dữ liệu được sắp xếp gọn gàng, khoa học.
Với 5 tiêu chuẩn tự đánh giá theo Thông tư 19 gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, cô giáo Nhị đã cùng tập thể lãnh đạo nhà trường tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Qua đây, nhân lực (chủ yếu là giáo viên) của trường được bổ sung; trang thiết bị dạy và học được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa trị giá trên 160 triệu đồng. Mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội tiếp tục được củng cố. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tiếp tục được duy trì và nâng cao.
Từ những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đánh giá chính xác chất lượng giáo dục như ở trên, tháng 12/2019, Trường Mầm non Hoa Sữa được Sở GD&ĐT công nhận đạt Kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Tại hội giảng chuyên môn cấp học mầm non trong địa bàn thành phố năm học 2019 – 2020, sáng kiến của cô giáo Nhị được phổ biến đến các trường trên địa bàn. Cô giáo Vũ Thị Bích Lộc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tuy trường tôi đã đạt chuẩn quốc gia song hằng năm đều phải tự đánh giá kiểm định chất lượng. Sáng kiến của chị Dương Thị Nhị giúp ích rất nhiều trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác này của trường tôi.
Sáng kiến “Một số biện pháp chỉ đạo thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục, xây dựng trường mầm non Hoa Sữa, thành phố Lạng Sơn đạt chuẩn quốc gia” đã được UBND tỉnh công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. Với lợi ích thiết thực, sáng kiến này có thể áp dụng với tất cả các trường mầm non trên địa bàn tỉnh trong công tác tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục.
Ý kiến ()