Lợi ích thiết thực
LSO-Sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tiêm chủng không những giúp cho công tác quản lý hiệu quả hơn mà còn tạo nhiều tiện ích cho người dân.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh theo dõi tiêm chủng ở cơ sở qua hệ thống mạng quản lý |
Thông suốt trong hệ thống
Trước đây, việc thống kê tiêm chủng trên báo cáo bằng giấy tờ gặp nhiều khó khăn do có sự chậm chễ, ách tắc từ cơ sở. Chậm tiến độ, nhiều nhầm lẫn không chỉ ảnh hưởng đến thời gian làm chuyên môn của đội ngũ cán bộ, mà còn là nguyên nhân chính trong dự trù, phân phối vắc-xin; huy động, theo dõi đối tượng tiêm và nhất là sự tốn kém về giấy mực và in ấn. Ông Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm- Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh cho biết: Nếu trước đây để tập trung được báo cáo tiêm chủng của 11 huyện, thành phố cũng phải mất hàng tuần, có báo cáo, cán bộ phải cộng thủ công, thống kê từng loại đối tượng, nhu cầu vắc-xin từng địa phương… cũng hết vài ngày; rồi lại đi kiểm tra, thẩm định… rất tốn kém. Nay chỉ cần ngồi trước máy vi tính, cán bộ thống kê, trưởng khoa có thể biết tình hình tiêm chủng cập nhật tới từng giờ, từng đối tượng.
Tính ưu việt của CNTT trong quản lý tiêm chủng trước hết là sự thay đổi tư duy trong quản lý, nếu trước đây có sự cách biệt của 2 hệ thống tiêm chủng (tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm chủng dịch vụ (TCDV) thì nay chỉ là 1 đối tượng là trẻ em trong tuổi tiêm. Bằng hệ thống quản lý thông minh, cấp tỉnh có thể biết từng đối tượng tiêm chủng, lịch sử tiêm chủng như: tiêm loại vắc-xin nào, thời gian tiêm, địa điểm tiêm công tác an toàn tiêm ở xã xa xôi nhất; đồng thời có thể truy vấn về sự trùng lặp sai sót trong thống kê.
Để có được các tiện ích trên, trong nửa đầu năm 2017, Trung tâm YTDP tỉnh đã tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ làm công tác YTDP của 11 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh về hệ thống phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia để sử dụng vào công tác quản lý tiêm chủng tại địa phương có hiệu quả. Kết quả là toàn hệ thống đã thông suốt, kịp thời, chính xác.
Tiện ích cho người dân
Dù đang bận rộn với công tác kiểm tra học kỳ 1 nhưng khi nhận được tin nhắn trên máy điện thoại là đến kỳ cho con đi tiêm chủng, chị Nguyễn Thanh Vân, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn vẫn chủ động thu xếp được thời gian đưa con đi tiêm chủng. Chị nói rằng, chỉ với 30 ngàn đồng tiền dịch vụ nhắc lịch tiêm chủng SMS/MMS trong 1 năm, cái “sự quên” do bận công việc đã được trợ giúp.
Đang đi du lịch tại Vũng Tàu, khi nhận được tin nhắc tiêm chủng cho con, 2 vợ chồng anh Lý Trung Kiên (thị trấn Đồng Đăng) đã đưa con đến trạm y tế phường Thắng Nhất để được tiêm. Do quên không mang phiếu tiêm chủng, anh chị đã cung cấp tên, ngày tháng năm sinh của con và tên mẹ… và chỉ 3 phút, cán bộ trạm đã tìm được tên, mã số và xác định vắc-xin cần tiêm. Con được tiêm đầy đủ đã tiếp thêm niềm vui cho anh chị trong chuyến du lịch thú vị này.
Theo phản ánh của nhiều trung tâm y tế, nếu trước đây, các trạm y tế và đội ngũ y tế thôn bản phải rất vất vả để đến tận nhà hoặc gọi điện thoại thông báo và nhắc nhở người dân đưa con đi tiêm chủng đúng lịch; thì nay với nhiều người chấp nhận sử dụng dịch vụ tin nhắn nhắc tiêm chủng, tình hình đã thuận hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà mạng cần đổi mới cách vận động và hình thức thu phí. Bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Gia nói rằng: Viettel không nên thu phí tại trạm hoặc nhờ cán bộ y tế thu phí; vì điều đó rất dễ gây hiểu lầm cho người dân trong công tác TCMR.
Khẳng định tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong quản lý TCMR, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh nói rằng: Đây là bước đột phá của YTDP nói riêng và ngành y tế nói chung trong cuộc cách mạng khoa học 4.0. Nó không những giúp ngành y tế Lạng Sơn tiết kiệm mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng về thời gian, chi phí… mà còn góp phần làm cho công tác quản lý và điều hành tốt hơn, chặt hơn. Người dân cũng được hưởng dịch vụ y tế đầy đủ hơn, nhất là trong tiêm chủng.
MINH HỒNG
Ý kiến ()