Lợi ích kép từ phương pháp tán sỏi đường mật bằng laser qua da
– Sử dụng phương pháp tán sỏi đường mật bằng laser qua da cho bệnh nhân sỏi mật không chỉ giúp bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật tiên tiến ngay tại địa bàn tỉnh mà còn ít đau đớn, nhanh phục hồi, giảm chi phí điều trị. Phương pháp này đang được ứng dụng, triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Phương pháp truyền thống trong điều trị sỏi mật là mổ mở cắt túi mật và mở ống mật chủ lấy sỏi dẫn lưu đường mật. Phương pháp này gây đau đớn, nhiều biến chứng, để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời, tỉ lệ sỏi tái phát và phải mổ lại rất cao. Chính vì vậy, từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2023, nhóm nghiên cứu do Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Mậu Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng Tiến sỹ Bác sĩ Lê Tuấn Linh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đồng chủ nhiệm đã tiến hành đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng triển khai kỹ thuật điều trị tán sỏi đường mật bằng laser qua da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn”.
Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu với Hội đồng Khoa học tỉnh
Tán sỏi đường mật qua da bằng laser là một kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm về can thiệp đường mật, kỹ năng về nội soi đường mật và tán sỏi bằng laser. Bên cạnh đó, cơ sở y tế cũng cần phải có đầy đủ phương tiện, thiết bị hiện đại. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được trang bị một số thiết bị kỹ thuật, máy móc hiện đại đáp ứng yêu cầu triển khai kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da bằng laser. Bệnh viện cũng cử 2 bác sĩ tham dự đào tạo trực tiếp tại Trường Đại học Y Hà Nội về kỹ thuật tán sỏi đường mật qua da bằng laser, đồng thời phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong quá trình triển khai đề tài.
Triển khai phương pháp tán sỏi đường mật qua da bằng laser, bác sĩ sẽ cắt một đường có kích thước khoảng 3 – 5 mm trên da ngoài thành bụng để đưa thiết bị kỹ thuật từ ngoài vào đường mật trong gan. Máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA, máy siêu âm trong mổ và camera nội soi được sử dụng để kiểm tra toàn bộ hệ thống đường mật trong gan như: ống gan phải, ống gan trái, toàn bộ ống mật chủ. Ở những vị trí có sỏi thì bác sĩ đưa máy tán sỏi công suất lớn vào ống đường mật trong gan tán nhỏ sỏi, hút ra ngoài và bơm rửa hết cặn sỏi. Theo đó, tất cả sỏi túi mật, sỏi đường mật trong gan, sỏi ống mật chủ được tán nhỏ và hút ra ngoài. Sau khi tán sỏi, bệnh nhân được kiểm tra lại bằng Xquang và siêu âm đường mật đảm bảo không còn sỏi trong đường mật.
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Mậu Việt cho biết: Ứng dụng kỹ thuật này đối với 150 bệnh nhân có sỏi đường mật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thời gian qua cho thấy, 100% bệnh nhân hồi phục và xuất viện chỉ sau 2 đến 3 ngày. Người bệnh gần như không đau, ít biến chứng nên rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị. Đặc biệt, phương pháp này thích hợp với người cao tuổi và người phẫu thuật đường mật nhiều lần.
Bệnh nhân Chu Văn Thẹ, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình cho biết: Tháng 9/2022, tôi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và điều trị. Sau khi thăm khám và theo dõi, tôi được bác sĩ chẩn đoán là sỏi ống mật chủ. Tại đây, tôi đã được bác sĩ sử dụng phương pháp tán sỏi đường mật bằng laser qua da để điều trị. Sau phẫu thuật, tôi hồi phục rất nhanh, vết mổ không đau, sau khi mổ vài ngày tôi đã được xuất viện.
Được biết sau khi làm chủ kỹ thuật tán sỏi mật qua da bằng laser Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiến hành tập huấn cho 30 y, bác sỹ tại bệnh viện để nhân rộng và ứng dụng vào điều trị cho người bệnh. Tán sỏi mật qua da bằng laser là bước đột phá, dần thay thế hoàn toàn phương pháp mổ mở truyền thống, giúp người bệnh được điều trị bằng phương pháp hiện đại, hiệu quả, an toàn mà không phải chuyển tuyến.
Với những kết quả mà đề tài mang lại, tháng 4/2023, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng triển khai kỹ thuật điều trị tán sỏi đường mật bằng laser qua da tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn” đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Thời gian tới, phương pháp này sẽ được áp dụng vào công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tiến tới thay thế hoàn toàn phương pháp truyền thống trong điều trị sỏi đường mật.
Ý kiến ()