Lợi ích kép cho người nông dân
LSO-Để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan về xây dựng hầm khí sinh học (hầm bioga), ngày 24/10/2003, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định thành lập Văn phòng dự án khí sinh học tỉnh Lạng Sơn. Sau 12 năm triển khai thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo chất đốt, bảo vệ môi trường, từng bước hình thành thói quen chăn nuôi hợp vệ sinh đối với bà con nông dân.
Bà Hoàng Thị Ót, thôn Quảng Hồng 1, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn kiểm tra bể điều áp hầm khí sinh học – Ảnh: ĐỨC ANH |
Ông Lã Văn Lý, cán bộ phụ trách dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: ngay sau khi thành lập, Văn phòng dự án đã cử mỗi huyện, thành phố một cán bộ thuộc Trạm khuyến nông tham gia lớp đào tạo xây dựng hầm khí sinh học theo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng chỉ. Đồng thời, toàn tỉnh đã có 40 thợ xây được đào tạo chính quy, cấp chứng chỉ Quốc gia về xây hầm khí sinh học. Mỗi hộ nông dân khi xây dựng hầm khí sinh học sẽ được các kỹ thuật viên, thợ xây đến tận nơi khảo sát, tiến hành xây dựng theo đúng quy trình, kỹ thuật và được hỗ trợ 1,2 triệu đồng.
Trong chăn nuôi, nếu các hộ nông dân xây hầm khí sinh học sẽ tận dụng được toàn bộ chất thải để làm chất đốt thay ga, củi, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm và giảm sức lao động. Vì vậy, để người dân hiểu rõ tác dụng của hầm khí sinh học và tích cực hưởng ứng dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm khuyến nông các huyện, thành phố đã phối hợp với các ban, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền lồng ghép thường xuyên, liên tục về lợi ích của việc xây dựng hầm khí sinh học.
Ngay trong năm 2004 đã có gần 100 hộ hưởng ứng xây dựng. Trong quá trình xây dựng hầm khí sinh học đều có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của các kỹ thuật viên. Sau khi công trình hoàn thành đảm bảo vận hành tốt, hiệu quả thì mới bàn giao cho các hộ dân đưa vào sử dụng. Ông Đoàn Văn Bường, thôn Quảng Hồng 1, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: gia đình đã xây hầm khí sinh học cách đây 10 năm, đến nay vẫn hoạt động tốt. Gia đình luôn duy trì nuôi từ 8-10 con lợn, từ khi xây hầm khí sinh học đã tận dụng được toàn bộ chất thải làm chất đốt, vừa tiết kiệm được chất đốt, môi trường chăn nuôi luôn đảm vệ sinh sạch sẽ, đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt. Không chỉ có gia đình ông, hiện toàn thôn đã có gần 10 hộ xây hầm khí sinh học và toàn bộ các hầm khí sinh học hiện vẫn đang vận hành tốt.
Nhận thấy lợi ích thiết thực của việc xây hầm khí sinh học mang lại nên ngay sau khi những hộ đầu tiên xây dựng, phong trào xây hầm khí sinh học đã phát triển nhanh, mạnh, rộng khắp trong 11 huyện, thành phố. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ khi triển khai dự án đến nay, toàn tỉnh đã xây được trên 1.580 hầm khí sinh học với tổng số tiền hỗ trợ trên 1 tỷ 900 triệu đồng. Trong đó, đa phần các hộ xây dựng hầm từ 5 m3 đến 15 m3, một số hộ chăn nuôi lớn xây dựng hầm khí sinh học từ 30 m3 đến 40 m3. Ngoài số tiền được hỗ trợ, mỗi hộ xây dựng hầm đã đầu tư từ 5 triệu đến hơn 20 triệu đồng tùy theo độ rộng hẹp của hầm. Các huyện có phong trào xây dựng hầm khí sinh học phát triển như: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia… Qua kiểm tra chất lượng, các hầm khí sinh học trên đia bàn tỉnh Lạng Sơn được đánh giá tốt. Nếu chỉ tính riêng về tiết kiệm chất đốt, một hộ thường xuyên nuôi 10 đến 20 con lợn xây hầm khí sinh học một năm sẽ tiết kiệm được từ 5 đến 10 triệu đồng.
Người dân xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng sử dụng khí bioga từ phát triển chăn nuôi để đun nấu – Ảnh: BT |
Phát huy những kết quả đã đạt được, hiện chương trình tài trợ xây dựng hầm khí sinh học của Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan vẫn được duy trì. Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm khuyến nông các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp với các ban, ngành chức năng, các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng hầm khí sinh học, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
ĐỨC ANH
Ý kiến ()