Lợi ích kép cho học sinh
Các học viên tham gia khóa học nghề ngắn hạn về nấu ăn tại Trung tâm GDNN – GDTX Lộc Bình |
Để đáp ứng nhu cầu vừa được học văn hóa vừa được học nghề của một bộ phận học sinh sau khi đã tốt nghiệp THCS, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – GDTX trên địa bàn tỉnh đã triển khai mở các lớp liên kết đào tạo với các trường chuyên nghiệp, các cơ sở dạy nghề thực hiện chương trình đào tạo nghề gắn với dạy văn hóa. Theo đó, các học sinh tham gia loại hình đào tạo này sẽ được học tập theo chương trình GDTX cấp THPT và học nghề cấp bằng, chứng chỉ hệ trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Qua đó nhằm tạo điều kiện để học sinh sau khi tốt nghiệp có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm và có thu nhập ổn định.
Thầy giáo Hoàng Văn Tặng, giáo viên Trung tâm GDNN – GDTX huyện Lộc Bình chia sẻ: Việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề hiện nay mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Bởi đây là mô hình rất phù hợp với những học sinh không có điều kiện học lên cao hơn nhưng vẫn có được nghề nghiệp ổn định hay mở ra một tương lai rộng hơn để có thể vào cao đẳng, đại học nếu có nhu cầu. Khi tham gia học các lớp này, ngoài việc học văn hóa thông thường, các em còn được đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Sau 3 năm học, học sinh có thể tham dự kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT và kỳ thi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp để có cơ hội nhận cùng lúc 2 bằng tốt nghiệp.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, các trung tâm đã tổ chức điều tra khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập của các đối tượng, tư vấn lựa chọn nghề học và chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất phục vụ cho học viên học các môn văn hóa hệ bổ túc THPT, đồng thời cử giáo viên dạy các bộ môn văn hóa bổ trợ trong chương trình trung cấp nghề. Thường xuyên vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu rõ về mục tiêu, lợi ích của các chương trình dạy văn hóa, học nghề thông qua xây dựng chương trình đào tạo, giám sát, kiểm tra quá trình đào tạo nghề; gắn dạy nghề với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường và tăng cường tìm hiểu thông tin việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để học viên sau khi tốt nghiệp có được việc làm ổn định.
Trong năm học vừa qua, các trung tâm GDTX, GDNN – GDTX trên địa bàn đã tiếp tục duy trì thực hiện các lớp bổ túc văn hóa trình độ THPT và đào tạo nghề ngắn hạn tại các xã và cụm xã. Đồng thời, tổ chức mở 10 lớp nghề phổ thông, trong đó có 4 lớp nghề điện dân dụng, 6 lớp tin học văn phòng với tổng số hơn 250 học viên; đối với các lớp trung cấp nghề, mở được 25 lớp với 745 học viên tham gia học 14 nghề trung cấp. Bên cạnh đó, các trung tâm đã tổ chức ký hợp đồng liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc, trung tâm dạy nghề các huyện tổ chức mở hơn 22 lớp nghề ngắn hạn. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu về chăn nuôi, cơ khí, máy móc, thiết bị dân dụng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, đó là khâu giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp của một số nghề còn hạn chế; chưa có cơ chế phối hợp, đặt hàng giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với các trung tâm GDTX, đào tạo nghề. Đặc biệt, chất lượng tuyển sinh đầu vào hệ GDTX thấp, khả năng tiếp thu đồng thời hai chương trình THPT và nghề gặp nhiều khó khăn. Và khó khăn lớn nhất là thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề cơ hữu và thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà xưởng phục vụ cho việc thực hành.
Ông Cao Văn Đông, Phó Trưởng Phòng GDTX – GDCN, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Việc kết hợp dạy văn hóa và dạy nghề cho học sinh là một giải pháp hữu hiệu nhằm đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng phù hợp với nhu cầu xã hội và rút ngắn được thời gian đào tạo. Nhưng để mô hình lồng ghép dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề đạt hiệu quả cần có sự liên kết chặt chẽ giữa trung tâm với các cơ sở dạy nghề từ khâu tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Đồng thời, chủ động tìm hiểu, gắn quá trình đào tạo nghề với tổ chức sản xuất, dịch vụ nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề cho học viên; liên kết với các trường đại học, cao đẳng để người học có thể học liên thông lên trình độ cao hơn.
Ý kiến ()