Lợi ích của mối quan hệ chiến lược đặc quyền giữa Nga và Ấn Độ
Bất chấp các trở ngại do đại dịch COVID-19, các cơ quan ngoại giao Nga-Ấn Độ vẫn tích cực thúc đấy các cuộc đối thoại song phương theo chế độ trực tuyến, một số cuộc họp quan trọng diễn ra trực tiếp.
Chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tới Nga và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Sergei Lavrov, một lần nữa khẳng định mối quan hệ bền chặt và linh hoạt giữa hai quốc gia có vai trò quan trọng hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bất chấp các trở ngại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, các cơ quan ngoại giao Nga-Ấn Độ vẫn tích cực thúc đấy các cuộc đối thoại song phương theo chế độ trực tuyến, một số cuộc họp quan trọng đã diễn ra trực tiếp.
Mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã có chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 4/2021.
Tháng Năm vừa qua, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại 2 2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước.
Đây là một bước tiến làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương và đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai nước trước những thay đổi và chuyển động mới trong khu vực. Như khẳng định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Đối thoại 2 2 sẽ tiếp thêm động lực cho quan hệ giữa New Delhi và Moskva.
Tại cuộc hội đàm ở Moskva ngày 10/7, bộ trưởng ngoại giao Nga và Ấn Độ cùng nêu bật mối quan hệ hai nước dựa trên nền tảng vững chắc của sự tin cậy lẫn nhau và có khả năng “miễn nhiễm” mạnh mẽ trước các tác động của môi trường chính trị quốc tế. Luận điểm này nhằm xua tan những ý kiến lo ngại của một số nhà quan sát chính trị quốc tế về sự “xa cách” quan hệ Nga-Ấn trong năm 2020 vì các bên không thể kết nối được các cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất như thông lệ hằng năm.
Tại cuộc họp báo chung, hai bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền Nga-Ấn Độ đã được thiết lập trong nhiều năm qua, đang được tăng cường và có triển vọng rất tốt, trong đó đối thoại chính trị đang được ưu tiên.
Hai bộ trưởng cũng tiết lộ về việc chuẩn bị nội dung cho hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn, dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay.
Mặc dù thời điểm cụ thể của hội nghị này còn đợi các nguyên thủ quốc gia xác định căn cứ theo diễn biến của tình hình đại dịch, nhưng cuộc gặp trực tiếp của hai nhà lãnh đạo Nga-Ấn Độ với sự chuẩn bị kỹ càng của những người đứng đầu cơ quan ngoại giao hai nước chắc chắn là một sự kiện quốc tế đáng quan tâm trong năm 2021.
Nhìn lại quan hệ song phương Nga-Ấn, có thể nói mặc dù vẫn có những vướng mắc và khác biệt trong chính sách ngoại giao, như vấn đề Pakistan hay việc Ấn Độ tham gia “nhóm Bộ tứ” với Mỹ, Australia và Nhật Bản, song hai nước vẫn luôn thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực đem lại lợi ích chung, đơn cử như trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng ở cả hai quốc gia.
Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga đã ký thỏa thuận với các công ty dược phẩm hàng đầu ở Ấn Độ để sản xuất các loại thuốc điều trị COVID-19 cũng như vaccine Sputnik V ngừa virus SARS-CoV-2.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, việc sản xuất thử nghiệm đã được tiến hành và hiện các cơ quan liên quan đang thống nhất về cách tổ chức sản xuất ở quy mô công nghiệp.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng việc sản xuất thuốc Nga ở Ấn Độ sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực toàn cầu chống lại căn bệnh lây nhiễm này.”
Vấn đề hợp thương mại và kinh tế được hai bên quan tâm. Chủ đề này cũng đã được Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar thảo luận chi tiết với Phó Thủ tướng Liên bang Nga Yuri Borisov, người phụ trách các chương trình kinh tế và công nghiệp trọng yếu của Nga.
Hai quan chức này đồng thời cũng là người đứng đầu Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và thương mại Nga-Ấn.
Hai bên kỳ vọng các cơ chế hiện có của ủy ban liên chính phủ sẽ phát triển các biện pháp bổ sung để kích thích hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư.
Theo số liệu thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2021, thương mại song phương đã tăng trưởng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Các quan chức Nga và Ấn Độ khẳng định quyết tâm duy trì xu hướng tăng trưởng này bằng mọi cách có thể.
Ngoài ra, hai nước cũng đang bàn thảo về chương trình hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư đến năm 2030 nhằm đưa quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới về chất.
Cả hai bên bày tỏ quan tâm đến việc bắt đầu các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Ủy ban Kinh tế Á-Âu về việc hình thành một khu vực thương mại tự do càng sớm càng tốt. Hiện, nhóm làm việc chung đã được thành lập và hai bên hy vọng ngày tiến hành phiên họp đầu tiên sẽ sớm diễn ra.
Nga và Ấn Độ duy trì hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Cuối tháng 6/2021 hai bên đã khởi công xây dựng Tổ máy số 5 của Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam tại Ấn Độ.
Cùng với hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ, đây là một trong những dự án trọng điểm của quan hệ đối tác Nga-Ấn.
Hợp tác kỹ thuật quân sự chiếm một vị trí quan trọng và thể hiện tính chất đối tác chiến lược đặc quyền của Nga với quốc gia lớn nhất khu vực Nam Á.
Ấn Độ là khách hàng mua vũ khí lớn và truyền thống của Nga, đồng thời cũng là đối tác cùng sản xuất nhiều mặt hàng quan trọng này.
Trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ quan tâm đến tiến độ thực hiện các hợp đồng hiện tại trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, cũng như việc mở rộng khuôn khổ pháp lý liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, người đồng cấp Nga khẳng định Moskva sẵn sàng tham gia các dự án nội địa hóa sản xuất các sản phẩm quân sự của Nga và thành lập các liên doanh trên lãnh thổ Ấn Độ.
Điều này góp phần thực hiện các chương trình thay thế nhập khẩu của quốc gia Nam Á, như chiến lược “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ).
Ông Lavrov cũng cho rằng điều này đáp ứng đầy đủ lợi ích quốc gia của hai nước và lợi ích của an ninh khu vực.
Tương tác trong các lĩnh vực chính trị quốc tế cũng là một trong những yếu tố nổi bật của quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền Nga-Ấn. Hai bên có quan điểm và phương pháp tiếp cận khá tương đồng hoặc trùng hợp trong nhiều vấn đề chính của thế giới đương đại.
Đây là cơ sở quan trọng để hai bộ trưởng trao đổi ý kiến về hàng loạt vấn đề cấp bách hiện nay đối với an ninh khu vực, liên quan trực tiếp đến lợi ích của hai nước, bao gồm giải quyết chính trị tình hình rất khó khăn ở Afghanistan, tình hình ở Syria, tình hình xung quanh chương trình hạt nhân Iran.
Hai bên bày tỏ lo ngại những hành động thù địch bạo lực đang diễn ra trên lãnh thổ Afghanistan nếu không được giải quyết triệt để bằng các tiến trình chính trị có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước láng giềng.
Hai bên nhất trí thảo luận về đề tài Afghanistan tại hội nghị sắp tới của các bộ trưởng ngoại giao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tổ chức an ninh chung liên chính phủ mà Nga và Ấn Độ cùng là thành viên, diễn ra tại thủ đô Dushanbe của Tadjikistan,
Ngoài ra, Moskva và New Delhi hợp tác chặt chẽ tại diễn đàn Liên hợp quốc, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu BRICS (Nga, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Nam Phi) hay trong bộ ba Nga-Trung-Ấn – định dạng mà Moskva đang nỗ lực kết nối sau những bất đồng giữa Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề biên giới.
Tại cuộc tiếp xúc cấp ngoại giao này, đề cập tới các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hai bên cũng thể hiện tầm nhìn chung về hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định rõ ràng lập trường ủng hộ việc duy trì và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh đã hình thành ở đây trong thập niên qua, bao gồm Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN về các vấn đề an ninh, các cuộc họp của bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và đối tác và các định dạng khác.”
Trong Chiến lược an ninh quốc gia mới vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn ngày 3/7 vừa qua, Moskva coi việc mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Ấn Độ là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại nhằm thiết lập cơ chế đảm bảo an ninh, ổn định khu vực dựa trên cơ sở không liên kết trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ấn Độ cũng đặc biệt chú trọng tới việc phát triển quan hệ đôi bên cùng có lợi với Nga, quốc gia có vai trò quan trọng trên trường quốc tế và tiềm lực quân sự mạnh.
Hai bên đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên thành quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền từ tháng 12/2010.
Kể từ đó, bất chấp vẫn còn khúc mắc trong nhiều vấn đề, Nga và Ấn Độ vẫn luôn tìm cách “làm mới” mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền này theo hướng đem lại lợi ích tối đa cho cả hai bên.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ tới Moskva một lần nữa khẳng định tính chất chiến lược của mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ được kiểm chứng qua thời gian và không bị ảnh hưởng bởi quan hệ với các nước khác./.
Ý kiến ()