Lợi dụng trồng rừng để phá rừng
Các chủ rừng đã vi phạm đốn hạ toàn bộ cây gỗ có đường kính hơn 10 cm tại dự án trồng rừng. Hiện nay, tỉnh Phú Yên có chín dự án trồng rừng kinh tế, trồng cao-su của các tổ chức, đơn vị bằng nguồn vốn tự huy động, trong đó có bảy dự án đã triển khai, với tổng diện tích quy hoạch vùng dự án hơn 35.192 ha, quy mô diện tích trồng rừng gần 20.000 ha. Nhiều khu rừng đã khép tán, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, nhiều doanh nghiệp có biểu hiện lợi dụng trồng rừng để phá rừng dẫn đến sự phản ứng của người dân vùng dự án.Nhiều sai phạm so với thiết kếCó hai dự án được triển khai rầm rộ trong thời gian qua là dự án trồng rừng sản xuất (giai đoạn 1) trên địa bàn huyện Đồng Xuân của Công ty TNHH Bình Nam (Bình Định) và dự án Đầu tư trồng rừng kinh tế giai đoạn 2008-2015 của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh trên địa bàn tám huyện, thị xã của tỉnh Phú Yên.Phản...
|
Nhiều sai phạm so với thiết kế
Có hai dự án được triển khai rầm rộ trong thời gian qua là dự án trồng rừng sản xuất (giai đoạn 1) trên địa bàn huyện Đồng Xuân của Công ty TNHH Bình Nam (Bình Định) và dự án Đầu tư trồng rừng kinh tế giai đoạn 2008-2015 của Công ty cổ phần Trường Thành Xanh trên địa bàn tám huyện, thị xã của tỉnh Phú Yên.
Phản ứng gay gắt nhất là người dân huyện miền núi Đồng Xuân thuộc vùng dự án của Công ty TNHH Bình Nam. Doanh nghiệp này được UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch diện tích tự nhiên trồng rừng sản xuất hơn 3.157 ha tại ba xã Xuân Lãnh, Xuân Quang 1 và Xuân Quang 2, trong đó diện tích đã thuê đất hơn 2.969 ha. Đến nay, Công ty TNHH Bình Nam đã trồng rừng được gần 1.700 ha, đạt 56,3% kế hoạch dự án. Mới đây, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp này thực hiện phát dọn thực bì không đúng theo quy định tại khu vực Hòn Gõ, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, gây bức xúc trong nhân dân. Theo thiết kế, khi phát dọn thực bì rộng 50 m phải có chừa lại băng 10 m; không được chặt hạ những cây có đường kính từ 10 cm trở lên, nhưng doanh nghiệp lại tự ý phát rộng 100 m không chừa lại băng 10 m và tự ý chặt một số cây có đường kính hơn 10 cm, là không đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Ngoài ra, Công ty Bình Nam cũng không thực hiện đúng quy trình, quy phạm đã được thống nhất, qua việc tiến hành phát dọn thực bì mà không báo cáo kế hoạch trồng rừng cho UBND huyện Đồng Xuân và chính quyền xã biết, để giám sát việc trồng rừng…
Trước đó, khi dự án này bắt đầu khởi động, người dân huyện Đồng Xuân đã gửi đơn kiến nghị chính quyền các cấp can thiệp khi nhìn thấy những cánh rừng xanh tốt thuộc các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Lãnh bị chặt hạ. UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo chính quyền huyện Đồng Xuân và các ngành chức năng kiểm tra, xử lý. Kết quả Công ty Bình Nam đã vi phạm khi chưa hoàn tất các thủ tục và chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, nhưng đã tự ý phát dọn thực bì. Khi tiến hành phát dọn, công ty chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai của dự án, chưa lập thủ tục xin thuê đất trồng rừng theo quy định, chưa được cấp có thẩm quyền thu hồi, cho thuê đất… đối với diện tích đất do địa phương quản lý. Đối với hơn 2.890 ha đất rừng (chiếm 75% diện tích toàn dự án) Nhà nước đã giao cho dân theo Nghị định 163/CP, công ty chưa có phương án sử dụng đất, phương án liên doanh liên kết với người dân theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi, nhưng lại tiến hành phát dọn. Phát hiện sai phạm này, UBND tỉnh Phú Yên đã giao các cơ quan chức năng xử lý; yêu cầu công ty dừng ngay việc phát dọn thực bì, trồng rừng kín diện tích đất đã phát dọn. Do vậy, kế hoạch trồng 770 ha rừng trong năm 2010 của doanh nghiệp này không triển khai được.
Một dự án khác có quy mô lớn gấp bốn lần dự án nêu trên cũng có những sai phạm tương tự. Năm 2009, UBND tỉnh Phú Yên cấp phép cho Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Bình Dương) được đầu tư trồng rừng tại 33 xã thuộc tám huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với quy mô trồng mới 12.420 ha và cải tạo, khoanh nuôi bảo vệ 4.306 ha rừng. Công ty cổ phần Trường Thành Xanh (CP TTX) là đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện dự án này. Tại huyện Sơn Hòa, Công ty CP TTX được phép đầu tư trên diện tích 4.247 ha, trong đó có 717,69 ha ở xã vùng cao Phước Tân. Năm 2010, đơn vị đã trồng được 100 ha; năm 2011, tiếp tục trồng 552,25 ha.
Tuy nhiên, khi triển khai phát dọn thực bì chuẩn bị hiện trường trồng rừng, công ty không có kế hoạch, phương án triển khai, không báo cáo địa phương và các đơn vị có liên quan, dẫn đến chưa có sự phối hợp kiểm tra, giám sát. Do đó, việc phát dọn thực bì không đúng với thiết kế kỹ thuật trồng rừng đã được phê duyệt. Cụ thể qua kiểm tra 81 ha đã phát dọn xử lý thực bì, đơn vị này đã phát trắng theo lô, nhiều cây có đường kính từ 10 cm đều bị chặt hạ. Tại hiện trường núi K’Bang ở thôn Tân Hải, xã Phước Tân, chủ đầu tư đã phát dọn sạch cây rừng bên bờ suối, không hề chừa lại thực bì mỗi bên 10-20 m để tạo băng cản lửa, chống sạt lở, xói mòn. Những vạt rừng đã phát dọn trắng theo phương pháp cuốn chiếu. Công ty CP TTX còn cho rằng, trong vùng dự án của công ty, đã có 55 hộ dân địa phương lấn chiếm, phát dọn trắng 33,68 ha, kể cả cây có đường kính hơn 10 cm. Như vậy, trách nhiệm chủ đầu tư trong việc quản lý, bảo vệ vùng dự án được giao đất là chưa chặt chẽ.
Cần chấn chỉnh kịp thời
Theo báo cáo của Chi cục Lâm nghiệp Phú Yên, các dự án trồng rừng của các doanh nghiệp trên địa bàn Phú Yên bắt đầu khởi động từ năm 2008. Đến mùa trồng rừng năm nay chỉ mới trồng được gần 3.000 ha/20.000 ha. Nhiều dự án chỉ mới thực hiện từ 5 đến 7% diện tích thiết kế. Nhưng qua kiểm tra thực tế cho thấy, có quá nhiều thiếu sót cần được chấn chỉnh. Phổ biến nhất là thủ tục thuế đất chậm, tranh chấp của người dân trong vùng,… dẫn đến tiến độ trồng rừng của các dự án thực hiện không đạt. Năm 2009 không hoàn thành kế hoạch. Một số dự án chưa bảo đảm được công tác phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến cháy rừng.
Mới đây, khi xử lý sai phạm của các đơn vị trồng rừng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hình thức xử phạt. Đồng thời, yêu cầu các công ty, doanh nghiệp nghiêm túc rút kinh nghiệm; bảo vệ khu vực đã phát dọn thực bì, không để xảy ra cháy và trồng rừng ngay sau khi được phép; lập thủ tục trả lại phần đất đã thuê, nhưng không trồng rừng cho địa phương quản lý…
Tại huyện Đồng Xuân, ngành nông nghiệp đã kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên thu hồi hơn 1.000 ha diện tích của một số dự án trả lại cho địa phương quản lý. Tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư điều chỉnh dự án, diện tích thuê đất phù hợp trình cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh và trả lại cho địa phương quản lý, sử dụng, thời gian chậm nhất vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012. Hằng năm, phải xây dựng phương án phối hợp, thống nhất với các ban, ngành, địa phương trong thực hiện, giám sát, kiểm tra các vấn đề liên quan đến trồng rừng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()