Cầu, đường có tên dầu cá
Miêu tả về một số tuyến đường được tài trợ đèn trang trí Tết Bính Thân vừa qua, nhiều người dân TP Long Xuyên đã nhận xét một cách châm biếm, gọi đó là những tuyến đường mang tên… dầu cá. Ngay cầu Tầm Bót, cửa ngõ ra vào thành phố, toàn bộ hai chiều hướng lên Châu Đốc và về TP Cần Thơ, đèn trang trí giăng dày đặc. Trên tất cả các cột đèn, mỗi dãy cột giăng ngang, phía dưới đều gắn bảng “Dầu cá Ranee” mầu đỏ chót, vàng rực với đầy đủ lô-gô nhận diện thương hiệu. Ba cây cầu có mật độ giao thông đông đúc khác gồm cầu Cái Sơn, cầu Hoàng Diệu và cầu Duy Tân cũng không kém, mỗi khi đêm về, ánh sáng đèn trang trí không làm đẹp cho cầu mà chỉ “tôn vinh” cho thương hiệu dầu cá chễm chệ, ở vị trí bắt mắt nhất. Kiểu quảng cáo lộ liễu khiến người ta có cảm giác đây là những cây cầu có chung tên gọi Dầu cá Ranee.
Không chỉ vài cây cầu nêu trên mà các tuyến đường đông đúc nhất, đẹp nhất TP Long Xuyên như đường đôi Nguyễn Huệ, cũng được đơn vị sở hữu thương hiệu dầu cá này “tài trợ miễn phí” đèn đường. Một cổng chào “hoành tráng” được dựng lên, chỉ có bảng lô-gô mang tên đơn vị sản xuất dầu cá nằm ngay ở vị trí trung tâm. Con đường hai chiều rộng thênh thang bị bủa vây bằng hệ thống đèn và lô-gô dầu cá hết sức phản cảm. Con đường mang tên Anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều người dân bức xúc cho rằng, việc chính quyền quá dễ dãi, thiếu kiểm tra, kiểm soát đã để các đơn vị tài trợ đèn trang trí lợi dụng, bỏ qua mục đích chính là làm đẹp cho đường phố, chỉ chăm chú vào mục tiêu quảng cáo cho doanh nghiệp, sản phẩm mình. Với lượng người rất đông những ngày Tết, chỉ bỏ ra ít tiền tài trợ đèn trang trí, có thể thấy việc quảng bá thương hiệu “dầu cá Ranee” đã có giá quá hời, chiến lược truyền thông của đơn vị tài trợ đã thành công lại còn được tiếng thơm “tài trợ miễn phí”.
Cần làm rõ trách nhiệm
Một cán bộ quân đội về hưu bức xúc bày tỏ, vẫn biết tài trợ thì phải có quảng cáo, nhưng không thể để quảng cáo dày đặc, phản cảm như thế. Việc quảng cáo quá lố đã gây hiệu ứng ngược, làm mất mỹ quan cho thành phố, gây cảm giác ngột ngạt, nhồi nhét hình ảnh thương hiệu, nhất là trong dịp Tết. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Trương Bá Trạng cũng tỏ ra hết sức bức xúc trước hiện tượng này. Đồng chí nói rất thẳng thắn: “Họ tài trợ đèn trang trí để TP Long Xuyên đẹp hơn là đáng hoan nghênh, nhưng việc đặt quá nhiều bảng thương hiệu như thế đã gây phản cảm, ngột ngạt. Thêm đèn hoa giả lòe loẹt, quảng cáo sống sượng, đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy xấu đi”. Trong khi đó, một vấn đề rất nhiều người quan tâm, vì sao một doanh nghiệp lại được dễ dàng đặt hàng trăm biển quảng cáo trong nhiều ngày với mật độ dày đặc mà không bị cơ quan chức năng nào “tuýt còi”. Phó Giám đốc Trương Bá Trạng cho rằng: “Đây là việc của TP Long Xuyên với đơn vị tài trợ. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý văn hóa, theo quan điểm của chúng tôi, việc đặt biển cần theo mật độ vừa phải và chỉ được đề tên doanh nghiệp, không được quảng bá thương hiệu của một nhãn hàng. Còn quảng bá thương hiệu, đó đích thị là quảng cáo. Nếu quảng cáo, phải xin phép, quy định rõ về địa điểm, thời gian,… Đến ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, chúng tôi vẫn không nhận được bất kỳ một văn bản nào của TP Long Xuyên, doanh nghiệp tài trợ hay đơn vị thiết kế thi công hệ thống đèn trang trí về việc này”.
Đại diện doanh nghiệp Sao Mai, đơn vị tài trợ đèn trang trí cho TP Long Xuyên, bà Trần Thị Huyền Điểu, phụ trách quảng cáo, truyền thông của doanh nghiệp này lý giải: Chúng tôi bỏ tiền tỷ ra làm đèn trang trí chủ yếu để hỗ trợ, làm đẹp thành phố chứ không vì mục đích lợi nhuận. Còn chúng tôi bỏ tiền ra thì phải có lợi gì đó, ở đây chỉ để mấy bảng hiệu thôi”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao biển hiệu dày đặc thương hiệu dầu cá Ranee của đơn vị, thì bà Điểu lảng tránh. Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin TP Long Xuyên Phạm Công Vinh cho biết, năm nay, việc trang trí đèn Tết ở các cây cầu, tuyến đường Nguyễn Huệ do doanh nghiệp tài trợ thực hiện 100%, nên thành phố… không “nhúng tay” vào.
Việc lắp đặt hệ thống đèn trang trí làm đẹp phố phường là chủ trương đúng, nhưng thực trạng diễn ra đã cho thấy các đơn vị chức năng cũng như ngành văn hóa đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát. Việc doanh nghiệp tự nguyện tài trợ làm đẹp cho cảnh quan, môi trường, thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng là đáng hoan nghênh, nhưng nếu đi quá giới hạn cho phép, lợi dụng để quảng cáo quá đà, gây phản cảm thì khó có thể chấp nhận. Các ngành chức năng tỉnh An Giang và TP Long Xuyên cần rút kinh nghiệm, sớm có biện pháp điều chỉnh, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc trang trí đúng mục đích.
Ý kiến ()