Lời đề nghị đầy sức nặng
Trong bối cảnh các thị trường dầu mỏ toàn cầu đang chứng kiến sự bất cân bằng về cung-cầu, giá cả leo thang, Iran mới đây đã đề nghị dỡ bỏ càng sớm càng tốt các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ chống lại nước này, từ đó mở đường để Tehran khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giúp ổn định thị trường.
Tờ Tehran Times ngày 4-2 dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Javad Oji, nhấn mạnh thị trường dầu mỏ toàn cầu đang cần có nguồn cung dầu thô từ Iran để đáp ứng nhu cầu hiện nay và duy trì tính cân bằng cung-cầu. Đáng chú ý, ông Oji khẳng định nếu các nước tiêu thụ dầu trên thế giới không hài lòng với giá dầu thô và các mức cung hiện nay, Iran sẵn sàng cung cấp nguồn cung cho các thị trường càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, Iran đề nghị nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này.
Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu của Iran. Ảnh: AFP |
Báo cáo do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố hồi cuối tháng 1 vừa qua cho thấy, do cung không theo kịp cầu, khí đốt trên thị trường đã trở nên khan hiếm, khiến giá tăng mạnh. Cụ thể, tiêu thụ khí đốt đã tăng 4,6% trong năm 2021. Ngày 31-1, giá dầu tại châu Á thậm chí đã leo lên gần mức cao nhất 7 năm qua do lo ngại về nguồn cung.
Trên thực tế, kể từ tháng 8 năm ngoái, liên minh OPEC , một nhóm các nước của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vốn chiếm tới hơn 40% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu đã nỗ lực phục hồi sản lượng 400.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, OPEC không thể đạt được mục tiêu này bất chấp việc một số thành viên OPEC phải vật lộn để tăng sản lượng.
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, nhu cầu thị trường tăng cao cộng với việc liên minh OPEC không thể tăng sản lượng như kỳ vọng đã củng cố các dự báo cho rằng giá dầu trên thị trường quốc tế sẽ cán mốc 100USD/thùng, thậm chí vượt mốc này trong năm 2022.
Trước áp lực từ những nước tiêu thụ dầu hàng đầu yêu cầu tăng sản lượng cao hơn, mới đây, OPEC đã nhất trí trong tháng 3 tới sẽ tăng sản lượng khai thác dầu mỏ thêm 400.000 thùng/ngày. Theo các quan chức của OPEC , quyết định này nhằm đạt được các mục tiêu hiện có và đáp ứng yêu cầu của các nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu về tăng nguồn cung để kiểm soát giá cả leo thang.
Tuy nhiên, bà Victoria Scholar, một chuyên gia tại công ty cung cấp dịch vụ đầu tư trực tuyến Interactive Investor (Anh), cho rằng giá “vàng đen” sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu ổn định và sự gia tăng sản lượng một cách nhỏ giọt của OPEC .
Đây không phải lần đầu tiên Iran khẳng định sẵn sàng tăng sản lượng khai thác dầu lên mức cao nhất có thể nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Đông này. Năm ngoái, Bộ trưởng Dầu mỏ Javad Oji cũng từng tuyên bố rằng Iran sẽ tăng sản lượng dầu khai thác lên mức cao nhất có thể ngay sau khi các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ được dỡ bỏ.
Và như lời ông Oji, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã tước đi của Iran 1,8 tỷ thùng dầu, tương đương hơn 100 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong khoảng thời gian từ tháng 4-2018 đến tháng 9-2021.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tại Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đang bước vào giai đoạn then chốt, đề nghị lần này của Iran thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.
Đó là bởi, nếu các cuộc đàm phán ở Vienna đạt kết quả tốt đẹp, và nếu Mỹ xóa bỏ một phần lệnh trừng phạt với Tehran, ảnh hưởng từ việc Iran gia tăng nguồn cung dầu thô ra thị trường toàn cầu sẽ rất đáng kể. Nên nhớ rằng, Iran là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới và khả năng sản xuất cũng rất mạnh.
Thống kê cho thấy, tính đến tháng 10-2021, sản lượng dầu thô của nước này đạt gần 2,4 triệu thùng/ngày. Trong trường hợp các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran có thể nối lại xuất khẩu dầu thô và trở thành nhân tố góp phần hạ giá dầu.
Iran có vẻ như đã đưa ra lời đề nghị đầy thuyết phục và đúng thời điểm. Tuy nhiên, liệu nước này có thể trở lại thị trường dầu mỏ toàn cầu hay không vẫn là ẩn số và sẽ được quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()