Lợi bất cập hại
LSO-Chưa đến một tuần sau buổi thông báo về chủ trương đầu tư thu hồi đất dự án đường phi thuế quan giai đoạn 1 thuộc thôn Pò Cại và thôn Háng Mới, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, trên diện tích đất nằm trong quy hoạch, chuẩn bị đo đạc kiểm đếm thu hồi, đã có hàng chục hộ dân ngày đêm trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp các loại với mục đích để lấy kinh phí đền bù từ nhà nước.
Cây quất, chanh được trồng với mật độ dày đặc và xen nhiều loại cây khác |
TRỒNG CÂY ĐỂ “TĂNG HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT”
Dự án “Đầu tư xây dựng đường giao thông khu phi thuế quan giai đoạn 1 xã Tân Mỹ huyện Văn Lãng” nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết 22/NQ-TU, ngày 3/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng –Lạng Sơn. Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật Lạng Sơn được giao chủ đầu tư công trình với tổng diện tích để thực hiện dự án là gần 27 ha. Trong đó, diện tích để xây dựng hạng mục đường giao thông là gần 16 ha và hạng mục bổ sung bãi đổ đất thải tạo mặt bằng thu hút đầu tư là hơn 11 ha.
Cuối tháng 3/2015, chủ đầu tư và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Văn Lãng phối hợp với UBND xã Tân Mỹ và hai thôn: Pò Cại, Háng Mới tổ chức họp dân và thông báo kế hoạch thu hồi đất triển khai dự án. Kết thúc cuộc họp, nhân dân hai thôn: Pò Cại và Háng Mới, xã Tân Mỹ đồng tình ủng hộ xây dựng công trình. Tuy nhiên, ngay sau đó, hàng chục hộ dân thuộc thôn Pò Cại đã ngày đêm đổ xô đi trồng các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp gồm chanh, quất, mác mật, hồi, lát, mận trên diện tích hơn 11 ha thuộc hạng mục bãi đổ đất thải tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư khu phi thuế quan. Khi phát hiện hiện tượng trồng cây hàng loạt trên khu đất thu hồi, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Văn Lãng và chủ đầu tư đã vận động tuyên truyền yêu cầu nhân dân ngừng trồng cây nhưng hiện tượng vẫn tiếp diễn.
Một ngày đầu tháng 4/2015, chúng tôi có mặt tại thực địa, hiện tượng người dân trồng cây trên đất quy hoạch vẫn đang tiếp tục diễn ra. Do trồng vội, hầu hết các loại cây được trồng đều sai với kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả như: không bóc vỏ bầu, không bón lót… Đếm thực tế tại hiện trường, chúng tôi thống kê được trên 1 m2 diện tích, người dân trồng tới 2 loại cây khác nhau với mật độ 4 đến 5 cây. Không những vậy, do không tưới nước, nhiều cây đã héo úa, một số thửa ruộng người dân trồng mới cây ăn quả xen lẫn cây ngô. Khi chúng tôi hỏi một hộ đang trồng cây quất trên diện tích đất khu vực thu hồi, hộ bà Chu Thị L, trú tại thôn Pò Cại không ngần ngại: “gia đình có hai thửa đất, đến nay đã trồng được 900 cây mác mật, đó còn chưa kể các cây khác như quất, chanh cũng được trồng trên cùng diện tích”. Bà L còn cho biết: “trồng xen canh trên một diện tích với nhiều loại cây nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả”. Thực tế quan sát diện tích hai thửa đất của bà L khoảng hơn 1.000 m2, chúng tôi thống kê sơ bộ có khoảng 1.500 cây các loại như chanh, mác mật, quất đã được trồng.
NHỮNG HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG
Diện tích khu vực bãi đổ thải nằm cách quốc lộ 4A khoảng 400 m từ km 6 đến km 7 quốc lộ 4A và nằm ở bên trái tuyến của dự án đường giao thông khu phi thuế quan cách cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, xã Tân Mỹ khoảng 3 km theo đường chim bay. Toàn bộ diện tích thuộc quyền sử dụng đất của 53 hộ dân thuộc hai thôn Pò Cại và Háng Mới, xã Tân Mỹ. Theo quy định, việc trồng cây trên diện tích quy hoạch khi chủ trương thu hồi đất được thông báo trước đó sẽ không được nhà nước bồi thường. Trong khi đó, nhiều hộ dân đã bỏ ra hàng triệu đồng để mua cây giống, (một số hộ dân ở Pò Cại mua giống cây mác mật tới 10 nghìn đồng một cây và cây chanh quất là 40 nghìn đồng một cây), đương nhiên, khi nhà nước thực hiện bồi thường theo đúng quy định người dân sẽ nhận phần thiệt hại do chính mình gây ra. Không những vậy, trong những năm tới, nếu hiện tượng này không được ngăn chặn giải quyết kịp thời sẽ tạo ra một tiền lệ tiêu cực trong thực hiện các dự án đầu tư liên quan đến thu hồi đất do tất cả các thành phần kinh tế triển khai sau này. Ngoài ra, nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo ra sự không công bằng, gián tiếp gây ra những xung đột lợi ích, làm mất trật tự trong khu vực và tình đoàn kết giữa các hộ chấp hành nghiêm quy định của nhà nước với các hộ vi phạm.
Người dân trồng cây lâm nghiệp lẫn cây ngô |
Ngày 31/3/2015, UBND huyện Văn Lãng đã tổ chức cuộc họp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Văn Lãng và UBND xã Tân Mỹ để giải quyết ngăn chặn vụ việc. Ông Vũ Hoàng Dũng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết: hiện UBND huyện đã yêu cầu UBND xã Tân Mỹ phối hợp với trung tâm vận động nhân dân chấm dứt hiện tượng trên và đề nghị các phòng liên quan tích cực phối hợp với chủ đầu tư giải quyết triệt để hiện tượng trên theo đúng quy định của pháp luật.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()