Lợi Bác: Loay hoay giải bài toán “đầu ra” cho cây dược liệu
- Xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình có tiềm năng để phát triển, hình thành vùng trồng cây dược liệu. Khai thác lợi thế đó, thời gian qua, người dân trên địa bàn xã đã nhân giống, mở rộng diện tích trồng một số loại cây dược liệu như cát sâm, sa nhân… Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại đang là bài toán khó.
Từ năm 2018, nhận thấy cây cát sâm có giá trị kinh tế cao lại rất phù hợp với điều kiện tự nhiên nên một số hộ dân ở xã Lợi Bác đã đầu từ trồng thương phẩm. Đến năm 2019, phong trào trồng cây cát sâm phát triển rộng trên địa bàn xã, đã có một số hộ mở vườn ươm cây giống để cung cấp cho bà con trong và ngoài xã. Từ đó, diện tích cây cát sâm tăng mạnh, đến năm 2023, toàn xã đã có 15 ha, trong đó có khoảng 10 ha đã đến tuổi cho thu hoạch. Tuy nhiên, do trồng tự phát theo phong trào, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng, chăm sóc cây cát sâm và chưa tính đến đầu ra nên việc tiêu thụ sản phẩm trở nên nan giải.
Ông Ma Xuân Tình, thôn Kéo Cọ, xã Lợi Bác chia sẻ: Gia đình tôi trồng cây cát sâm từ năm 2019 với diện tích 1 ha. Thời điểm đó, nhận thấy cây cát sâm có giá trị kinh tế cao, có thể tận thu cả hạt với giá từ 100 đến 200 nghìn đồng/kg để ươm giống nên năm 2020, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích cát sâm lên 2 ha. Khi đó, chi phí đầu tư giống khá cao (khoảng 5.000 đồng/cây) và gia đình cũng đầu tư vốn để thường xuyên làm cỏ, bón phân… với kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đến năm 2023, cây đến tuổi thu hoạch nhưng chất lượng củ cát sâm không cao, chủ yếu là củ nhỏ, không có bột nên rất khó tiêu thụ, lượng tiêu thụ được thì thu mua với giá rất thấp, chỉ 20.000 đồng/kg củ tươi, vì vậy, gia đình tôi không bán do lợi nhuận thu về không đủ để bù lại tiền thuê máy móc, công thu hoạch. Hiện nay, gia đình đã phá bỏ 1 ha để trồng cây khác, 1 ha cát sâm còn lại, gia đình không đầu tư chăm sóc nữa.
Theo chính quyền xã Lợi Bác, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cát sâm thời gian qua là do người dân tự phát trồng theo phong trào nhưng lại thiếu kinh nghiệm và chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc nên chất lượng củ không cao. Cùng với đó, do không có sự tính toán, tìm hiểu đầu ra từ trước nên khi cây đến tuổi thu hoạch thì người dân bị động, phụ thuộc vào thương lái thu mua.
Không riêng cây cát sâm, người dân xã Lợi Bác cũng đang bế tắc đầu ra với cây sa nhân, mặc dù là mô hình dược liệu được thực hiện theo dự án. Bà Bế Thị Hồng Nụ, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Bác cho biết: Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và quỹ đất đồi rừng của xã thuận lợi để phát triển cây dược liệu, năm 2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã phối hợp với chính quyền xã triển khai dự án trồng cây sa nhân dưới tán rừng với quy mô 3 ha. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% giống cây, phân hữu cơ, phân NPK viên nén và được hướng dẫn kỹ thuật trồng… Dự án được triển khai thành công, cây phát triển tốt. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án đã không có nội dung ký kết bao tiêu sản phẩm hay dự tính đầu ra cho sản phẩm, vì vậy đến năm 2023, khi cây bắt đầu cho thu hoạch đã phát sinh vướng mắc về đầu ra.
Điển hình trong việc thực hiện mô hình trồng cây sa nhân là hộ ông Bế Văn Thu, thôn Nà Mu, xã Lợi Bác với diện tích 1,5 ha. Ông Thu cho biết: Năm 2023, sau khi thu hoạch khoảng 1 tạ quả nhưng không có thương lái đến thu mua, gia đình tôi đã chủ động tìm kiếm, liên hệ với các cơ sở thu mua tại huyện Đình Lập nhưng vẫn không thể tiêu thụ được. Vì vậy, 1 tạ quả sa nhân mà tôi đã thu hoạch về phải đổ bỏ và khoảng 2 tạ quả ở cây tại vườn gia đình không bỏ công thu hoạch nữa mà để rụng. Hiện nay, mặc dù cũng chưa rõ đầu ra nhưng do đã mất nhiều công chăm sóc nên gia đình tôi vẫn đang cố gắng duy trì phát quang, bón phân cho cây với hy vọng vụ năm nay sẽ có thương lái đến thu mua, vớt vát lại công đầu tư.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình, hiện nay Lợi Bác là xã có diện tích cây dược liệu lớn nhất so với các xã, thị trấn ở huyện với tổng diện tích hơn 27 ha, có khoảng 30 hộ tham gia trồng thương phẩm (gồm cát sâm, sa nhân, trà hoa vàng). Mặc dù là xã có diện tích trồng dược liệu lớn nhất nhưng hầu hết các hộ trồng cát sâm và sa nhân (chiếm hơn 50% số hộ trồng dược liệu) đều đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Còn đối với các xã, thị trấn trồng dược liệu khác trên địa bàn, tình trạng này chưa xảy ra do diện tích trồng chưa đến tuổi cho thu hoạch, một số xã có thực hiện liên kết bao tiêu...
Bà Dương Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Phòng đã nắm được tình hình phát triển cây dược liệu trên địa bàn xã Lợi Bác. Trước mắt, phòng và chính quyền xã vận động người dân trồng dược liệu tiếp tục chăm sóc vườn cây, không để hoang hóa, lãng phí công sức đầu tư. Trong thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với chính quyền xã, các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến sau thu hoạch cây dược liệu cho người dân; tổ chức đưa các hộ dân, tổ hợp tác đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương có mô hình sản xuất cây dược liệu hiệu quả; tìm hiểu và làm việc với một số doanh nghiệp thu mua dược liệu để hướng đến thực hiện ký kết bao tiêu sản phẩm.
Tiềm năng cũng như giá trị kinh tế từ cây dược liệu là rất lớn, hy vọng rằng, các cơ quan chuyên môn của huyện Lộc Bình, chính quyền xã và người trồng dược liệu ở xã Lợi Bác quan tâm hơn nữa đến việc áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm và quan trọng là sớm giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm, từ đó từng bước đưa cây dược liệu trở thành cây kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ý kiến ()