Lời Bác dặn thôi thúc người thợ mỏ
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, Ðảng bộ Than Quảng Ninh có nhiều chương trình, việc làm thiết thực, tạo những chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh và công tác xây dựng Ðảng bộ. Mỗi công trình, việc làm của cán bộ, đảng viên đều hướng tới những giá trị cộng đồng, có sức lan tỏa trong cuộc sống.
Hầu như mọi cán bộ, công nhân ngành than tỉnh Quảng Ninh đều biết sự kiện ngày 30-3-1959, Bác Hồ về thăm tỉnh Quảng Ninh. Bác đã đến công trường mỏ than Ðèo Nai, ân cần thăm hỏi sức khỏe và căn dặn công nhân mỏ phải làm than cho tốt, giúp nhau cùng tiến bộ.
Khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ðảng bộ Than Quảng Ninh coi đây là dịp thực hiện tốt hơn nữa lời Người căn dặn năm xưa, động viên đội ngũ những người thợ mỏ vươn lên, làm ra thật nhiều than cho đất nước. Với 19.038 đảng viên là những hạt nhân nòng cốt trong các phong trào thi đua, các tổ chức đảng ngành than đã gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống người thợ mỏ, hỗ trợ các gia đình chính sách, gia đình thợ mỏ gặp khó khăn. Trong sản xuất kinh doanh, mỗi cán bộ, công nhân đều ý thức tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động. Ba năm qua, các đơn vị tiết kiệm điện năng 10%, tiết giảm chi phí quản lý, chi phí chung 8%, nhiên liệu 1,5% và một số chi phí khác; đồng thời tập trung các giải pháp để tăng năng suất lao động 5%. Mặt khác, ngành than Quảng Ninh có kế hoạch điều chỉnh, cắt giảm các dự án chưa cần thiết, tập trung đầu tư các dự án có tính quyết định đến sự tăng trưởng của ngành, đầu tư công nghệ tiên tiến khai thác than hầm lò có điều kiện xuống sâu, giảm chi phí bốc xúc đất đá, bảo vệ môi trường… Ðó là bước đi đúng của chủ trương tái cơ cấu ngành than; chuyển mạnh sang khai thác than hầm lò, thực hiện quy hoạch phát triển của ngành, đáp ứng than phục vụ nhu cầu nền kinh tế quốc dân. Năm 2013, ngành than Quảng Ninh sản xuất 42,6 triệu tấn than, tiêu thụ 39,1 triệu tấn, doanh thu đạt 100.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch.
Thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, từng cá nhân viết đăng ký việc làm theo; chi bộ rà soát chọn những việc nổi cộm để giải quyết, khắc phục. Vì thế, nhiều tập thể đã phát huy trí tuệ, dân chủ, đoàn kết nhất trí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiêu biểu như một số phân xưởng khai thác thuộc các công ty than: Mạo Khê, Khe Chàm, Mông Dương, Hà Lầm áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng công suất lò từ 120.000 tấn than lên 170.000 tấn, rồi 180.000 tấn và 200.000 tấn/năm. Trong những tập thể đó, đã xuất hiện nhiều gương sáng, như anh Nguyễn Văn Thái, Tổ trưởng đào lò Công ty than Hà Lầm, người thợ lò đặt dấu chân ở mức đường lò -300 m so mặt nước biển; anh Hoàng Văn Hạnh, Công ty than Dương Huy thợ lò có nhiều sáng kiến, luôn luôn đạt năng suất cao; anh Vũ Kim Vang thợ cơ điện Công ty than Cọc 6, người thợ có đôi bàn tay vàng,…
Với ngành than Quảng Ninh, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Ðể ổn định sản xuất kinh doanh, Ðảng ủy than Quảng Ninh chú trọng giáo dục truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, xây dựng bản lĩnh người thợ mỏ. Bí thư Ðảng ủy Than Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân cho biết: “Càng khó khăn càng chăm lo tốt hơn đời sống thợ mỏ”. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tìm các biện pháp nâng cao sản lượng, tăng doanh thu, thu nhập, bảo đảm việc làm cho người lao động, ngành than Quảng Ninh luôn quan tâm đời sống người lao động. Ðến nay, ngành đã xây dựng gần 70 khu nhà ở, đáp ứng một phần ba nhu cầu về nhà cho công nhân. Hầu hết các khu chung cư mới xây đều có cầu thang máy, có căng-tin, nhà sinh hoạt công nhân, sân chơi thể thao, thư viện, sân chơi tập thể… Tổng Công ty than Ðông Bắc, Công ty than Cao Sơn đã bàn giao gần 100 căn hộ cho gia đình công nhân với giá ưu đãi và được trả chậm 50% kinh phí. Mọi chế độ của người lao động được bảo đảm, việc tổ chức khám, chữa bệnh, tham quan du lịch cho người lao động được cải thiện.
Ðối với Công ty than Núi Béo, khó khăn lớn nhất là chấm dứt khai thác lộ thiên sau năm 2015. Do vậy, việc xây dựng mới mỏ hầm lò Núi Béo đang được công ty đẩy mạnh tiến độ để duy trì sản xuất trong những năm tới. Ðảng ủy công ty xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, cho nên từ năm 2009 đến 2010, công ty đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất và tổ chức lấy ý kiến của đảng viên, công nhân viên trong đơn vị, các chuyên gia trong ngành về việc chuyển từ khai thác lộ thiên sang khai thác than hầm lò và dự án xây dựng công trình khai thác hầm lò mỏ Núi Béo được khởi công từ ngày 3-2-2012, với tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng, công suất thiết kế hai triệu tấn/năm, khai thông mở vỉa bằng cặp giếng đứng xuống đến mức -350 m so với mặt nước biển. Việc chuyển sang khai thác than hầm lò đặt ra thách thức lớn đối với người lao động đang khai thác than lộ thiên. Công ty chủ động đào tạo lại và sử dụng lao động tại chỗ bên cạnh đào tạo mới theo phương án năm 2016 đi vào sản xuất, năm 2019 khi mỏ đạt công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm thì người lao động trong khai thác than hầm lò là 1.840 thợ lò.
Trong phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là những thời điểm gặp khó khăn, lời căn dặn của Bác Hồ luôn là nguồn động viên lớn để công nhân mỏ nơi đây vươn lên.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()