Nhờ đó, đến tháng 11 năm 2011 tổng đàn trâu, bò của xã là trên 900 con, số trâu bò đã được tiêm phòng dịch là 730 con, đạt 81% (năm 2010 tỉ lệ tiêm phòng dịch cho đàn gia súc toàn xã chỉ đạt 65%). Không những vậy, xã đang hình thành một số diện tích đất đồi làm đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc và người dân tại các thôn bản đang có xu hướng tập trung trâu bò của các hộ gia đình thành từng đàn và luân phiên nhau chăn thả hàng ngày. Đây cũng là một biện pháp để xã từng bước loại bỏ triệt để tập quán thả rông gia súc trong rừng, cũng như kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc. Anh Lành Văn Nâng cho biết thêm, hiện đang vào mùa rét, để chủ động chống rét cho đàn gia súc, người dân trong thôn đang tập trung thu gom rơm và cỏ khô để làm thức ăn cho trâu, bò và gia cố lại các chuồng trại.
LSO-Trước đây, tập quán chăn thả gia súc ở xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình còn khá lạc hậu, việc vận động bà con tiêm phòng dịch cho đàn gia súc gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, nhận thức của bà con trong việc chăn nuôi gia súc tại các thôn bản đã có những tiến bộ, không còn tình trạng thả rông như trước đây, việc tiêm phòng dịch, chủ động phòng chống đói rét cho trâu bò được chú trọng. Đây là kết quả của sự kiên trì tuyên truyền vận động của đội ngũ thú y viên cấp huyện, xã đối với lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, duy trì phát triển đàn gia súc, gia cầm tại địa phương.
|
Đàn trâu của thôn Khau Khảo, xã Lợi Bác |
Lợi Bác là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình, có 12 thôn bản, trong đó có 6 thôn vùng sâu, giáp với các xã Ái Quốc, Nam Quan, Đình Lập (huyện Đình Lập). Xã có lợi thế về đất đồi rừng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc và phát triển trồng rừng. Bí thư chi bộ thôn Khau Khảo, ông Lành Văn Nâng cho biết, thôn cách trung tâm xã khoảng 8km, đường giao thông đi lại khó khăn, những năm 2005-2006 thôn chỉ có trên dưới 40 hộ gia đình với gần 200 nhân khẩu nhưng số lượng đàn trâu, bò còn lớn hơn số nhân khẩu của thôn, có hộ gia đình có tới 30 con trâu bò. Tuy nhiên, do công tác chăm sóc và phòng bệnh cho gia súc chưa được người dân chú trọng nên thỉnh thoảng đã xuất hiện những con trâu chết không rõ nguyên nhân.
Nhưng giờ đây tình hình đã khác, ông Vi Văn Như, Chủ tịch UBND xã Lợi Bác khẳng định, hiện tập quán chăn thả gia súc rông tại các thôn vùng sâu cơ bản đã dần bị loại bỏ, người dân đã chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, dự trữ thức ăn, chủ động thực hiện các chương trình tiêm phòng dịch bệnh. Có được kết quả này là nhờ trong thời gian qua, Ban chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp xã đã tập trung chỉ đạo các trưởng thôn, Ban công tác mặt trận của các thôn, bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân dựng chuồng trại giữ ấm, chủ động tích trữ thức ăn cho trâu bò vào mùa đông. Ngoài ra, hàng năm cán bộ thú y của xã và huyện ít nhất có 2 lần triển khai các chương trình tiêm phòng dịch bệnh theo kế hoạch và lồng ghép tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, xây dựng cơ chế thông tin về tình hình dịch bệnh và giám sát công tác phòng chống dịch tại thôn, bản.
|
Người dân thôn Khau Khảo tuốt lúa lấy rơm để làm thức ăn cho gia súc |
Nhờ đó, đến tháng 11 năm 2011 tổng đàn trâu, bò của xã là trên 900 con, số trâu bò đã được tiêm phòng dịch là 730 con, đạt 81% (năm 2010 tỉ lệ tiêm phòng dịch cho đàn gia súc toàn xã chỉ đạt 65%). Không những vậy, xã đang hình thành một số diện tích đất đồi làm đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc và người dân tại các thôn bản đang có xu hướng tập trung trâu bò của các hộ gia đình thành từng đàn và luân phiên nhau chăn thả hàng ngày. Đây cũng là một biện pháp để xã từng bước loại bỏ triệt để tập quán thả rông gia súc trong rừng, cũng như kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc. Anh Lành Văn Nâng cho biết thêm, hiện đang vào mùa rét, để chủ động chống rét cho đàn gia súc, người dân trong thôn đang tập trung thu gom rơm và cỏ khô để làm thức ăn cho trâu, bò và gia cố lại các chuồng trại.
Công Quân
Ý kiến ()