Theo Cựu chiến binh Đỗ Văn Đủ, người tham gia chiến đấu ở vùng đất này từ năm 1965, Lộc Ninh (Bình Phước) là đoạn cuối của đường Hồ Chí Minh, bắt đầu từ Khe Hó (Quảng Trị) chạy dọc theo dãy Trường Sơn trùng điệp, với năm hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, dài 16.000 km. Đầu năm 1972, cục diện chiến trường miền nam có nhiều thuận lợi cho cách mạng, do đó rạng sáng 7-4, Trung ương Cục quyết định mở chiến dịch mang tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ – Quang Trung, lực lượng vũ trang giải phóng cùng hàng nghìn đồng bào dân tộc Xtiêng, Khmer, công nhân các đồn điền cao-su đồng loạt nổi dậy, tiến công Chi khu quân sự, diệt hơn 3.000 tên địch, bắt gần 1.900 tên, phá hủy toàn bộ phương tiện chiến tranh của chúng, giải phóng Lộc Ninh, làm nức lòng đồng bào cả nước.
Ngay sau ngày giải phóng năm 1972, Lộc Ninh được chọn làm căn cứ địa của Bộ chỉ huy Miền, Trung tâm chính trị, quân sự của các lực lượng cách mạng miền nam. Từ năm 1973, Lộc Ninh là đoạn cuối Đường Hồ Chí Minh chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là địa bàn của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Sở chỉ huy Tiền phương và là nơi tập kết các binh đoàn chủ lực chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Với diện tích tự nhiên 86.297 ha, huyện Lộc Ninh có hơn 100 km đường biên giới với nước bạn Cam-pu-chia, dân số 117 nghìn người, trong đó 17% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Khmer và Xtiêng… Do đất đai phì nhiêu, trước kia thực dân Pháp mộ phu bóc lột sức lao động, khai phá rừng, lập đồn điền cao-su, xây dựng khu quân sự nối liền ba nước Đông Dương (Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia). Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ hất cẳng Pháp, thi hành chính sách thực dân mới ở miền nam Việt Nam và xây dựng tại Lộc Ninh sân bay quân sự, trung tâm biệt kích, hệ thống đồn, bốt dày đặc nhằm ngăn chặn, đàn áp phong trào cách mạng.
Chúng tôi đến Lộc Ninh vào những ngày giữa tháng 3 này, vẫn còn đây Nhà giao tế, nơi làm việc của Ban liên hiệp quân sự bốn bên, Ủy ban kiểm tra, kiểm soát và Giám sát đình chiến quốc tế. Sân bay Lộc Ninh, nơi từng đón 43 nghìn chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở Côn Đảo, Phú Quốc trở về trong vòng tay của người thân, đồng chí. Còn đây Kho xăng dầu hàng triệu tấn, mà điểm đầu tận Bến Thủy (thành phố Vinh) tới Phước Long qua 1.914 km đường ống, 115 trạm bơm đẩy và chứa tại Lộc Hòa, Lộc Quang để phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh… Còn đây những cánh rừng bạt ngàn che chở những đơn vị Quân giải phóng chiến đấu ven Sài Gòn năm xưa; nay là những vườn cao-su, tiêu, vườn trái sum suê và bốn nghìn ha rừng phòng hộ, 21 nghìn ha rừng sản xuất. Quốc lộ 13, đoạn dài hơn 130 km từ Lộc Ninh đến TP Hồ Chí Minh cùng trải dài mầu xanh của cao-su, điều, càng đẹp hơn lên bởi các khu công nghiệp, khu dân cư mới… Cũng kể thêm một điều thú vị ở Lộc Ninh có 16/16 xã, thị trấn đều bắt đầu bằng chữ Lộc, như Lộc An, Lộc Hòa, Lộc Hiệp, Lộc Tấn…
Đến với Lộc Ninh, hãy nhìn từ dãy phố xuống thung lũng, nơi có một chợ từ thời Pháp thuộc, nay thị trấn thay đổi nhiều, mang vóc dáng một đô thị vùng sơn cước. Khu bến xe tấp nập xe cộ ra vào, hàng hóa sầm uất.
Trong hơn 86 nghìn ha, ngoài diện tích rừng, còn lại 54.749 ha đất của huyện Lộc Ninh đã được phủ xanh bằng cây cao-su, điều, hồ tiêu và lúa nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân cho biết, ngày mới giải phóng, kinh tế hạ tầng và các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục của huyện gần như con số không… Sau 40 năm, Lộc Ninh phát triển khá ổn định. Từ 20 nghìn dân, chủ yếu là các gia đình công nhân cao-su và đồng bào dân tộc thiểu số, nay Lộc Ninh có khoảng 117 nghìn người. Từ vài nghìn ha cao-su trước đây, nay toàn huyện trồng tập trung hơn 20 nghìn ha, trong đó 60% đã đưa vào khai thác. Có thể gọi Lộc Ninh là “thủ phủ” cây hồ tiêu, với diện tích hơn bốn nghìn ha. Tổng sản phẩm thu nhập năm 2011 đạt hơn 1.190 tỷ đồng; thu nhập bình quân từ 9,5 triệu đồng/người năm 2005, tăng lên 21 triệu đồng/người năm 2011; thương mại – dịch vụ tăng nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt hơn 1.280 tỷ đồng; tổng thu ngân sách đạt hơn 334 tỷ đồng…
Đời sống văn hóa, giáo dục, chính sách an sinh xã hội, chất lượng sống người dân ngày càng cao. Nếu năm 1975 cả huyện chỉ có hai trường học, thì nay đã có 54 trường phủ khắp các xã, với 99,5% số học sinh sáu tuổi vào lớp 1; 100% số xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 15/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số xã có hệ thống giao thông… Trung bình mỗi năm giảm 200 hộ nghèo; đồng bào các dân tộc thiểu số đã sống định canh, định cư, biết canh tác lúa nước, trồng cây lâu năm; hăng hái xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Lộc Ninh có vị trí chiến lược, tiềm năng phát triển kinh tế – dịch vụ du lịch rất lớn, nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Đáng chú ý là các khu di tích lịch sử quốc gia, như: Ban Liên hợp quân sự bốn bên; Kho xăng dầu Lộc Hòa, Lộc Quang; Sân bay quân sự; Khu căn cứ cách mạng Tà Thiết chưa được đầu tư tôn tạo, khai thác để giáo dục thế hệ trẻ về những tháng năm hào hùng mà cha anh đã sống, chiến đấu giành độc lập, tự do cho quê hương đất nước.
Ý kiến ()