Lộc Bình xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc
(LSO) – Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Lộc Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị và nhân dân, trực tiếp là các xã biên giới, Đồn Biên phòng Chi Ma (BPCM), Đồn Biên phòng Chi Lăng thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Lộc Bình là huyện miền núi, biên giới với 27 xã và 2 thị trấn (có 4 xã biên giới gồm: Tam Gia, Tú Mịch, Yên Khoái và Mẫu Sơn). Hằng năm, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và 2 đồn biên phòng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân khu vực biên giới về vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền đã giao đoạn đường biên giới dài gần 29 km và 71 cột mốc cho 175 hộ gia đình và 3 tập thể ở các thôn, bản có ruộng, nương canh tác giáp biên giới, ký kết tham gia, phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) quản lý, bảo vệ. Thiếu tá Đỗ Đức Hiệu, Chính trị viên Đồn BPCM cho biết: Là lực lượng chủ trì trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và giữ gìn ANTT ở khu vực biên giới, đơn vị đã triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, thường xuyên đổi mới công tác nghiệp vụ, công tác vận động quần chúng, các hoạt động gắn kết tình quân dân trên địa bàn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Ma và nhân dân xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình phát quang đường tuần tra, thông tầm nhìn biên giới
Trong 10 năm (2009 – 2018), toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền được 369 buổi tập trung với trên 25 nghìn lượt người nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ, lồng ghép cho hơn 2.800 lượt người. Nội dung tập trung phổ biến gồm: Luật Biên giới quốc gia, 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc, Nghị định 34 của Chính phủ về quản lý biên giới, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, mua bán người, vận chuyển pháo nổ, vượt biên trái phép… Hằng năm, huyện đều tổ chức sơ kết thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích, gắn với kết quả thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy phong trào từng bước đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả. Các lực lượng chức năng và nhân dân đã phối hợp tuần tra, kiểm tra, phát quang đường tuần tra, thông tầm nhìn biên giới, trên 830 lần với hơn 9 nghìn lượt người tham gia. Quần chúng nhân dân đã cung cấp cho BĐBP 116 nguồn tin, giúp phát hiện, xử lý kịp thời 26 vụ việc liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới.
Xã Yên Khoái có 3,7 km đường biên giới tiếp giáp với thị trấn Ái Điểm – Trung Quốc và có 4 thôn giáp biên gồm: Cốc Nhãn, Chi Ma, Nà Quân và Nà Phát. Cấp ủy, chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với Đồn BPCM tổ chức “Ngày hội Biên phòng toàn dân” vào ngày 3/3 hằng năm, cùng ôn lại truyền thống của BĐBP, tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ông Chu Văn Lỷ, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 24 hộ gia đình ký cam kết tham gia, phối hợp cùng BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới; lực lượng dân quân và nhân dân xã thường xuyên phối hợp với BĐBP tuần tra đường biên, mốc giới, phát quang đường biên giới; 10 năm qua, đã phối hợp tuần tra được trên 200 cuộc với hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia, góp phần bảo vệ vững chắc, chủ quyền, lãnh thổ trên tuyến biên giới do Đồn BPCM và xã quản lý.
Ghi nhận những kết quả đó, trong 10 năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới” cho 125 lượt cán bộ, nhân dân huyện Lộc Bình và hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng về thành tích tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Ý kiến ()