Lộc Bình thí điểm sản xuất rau an toàn
LSO-Để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn với giá ngang bằng rau thông thường, ngành chức năng huyện Lộc Bình đang triển khai mô hình sản xuất rau sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nano công nghệ cao.
Nông dân thu hoạch rau an toàn tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình |
Những ngày đầu năm 2018, chúng tôi có dịp đến thôn Bản Tấu, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình. Cả cánh đồng rộng lớn bát ngát một màu xanh mướt mắt với đủ thứ rau: cải ngồng, cải làn, su hào, cải bắp, súp lơ…, người làm vườn đang khẩn trương cắt rau, xếp vào thùng chờ xuất sang các tỉnh bạn. Theo những người làm vườn ở đây, khu vực này gió rất mạnh nên khi trời lạnh sẽ cảm nhận sự rét buốt rõ rệt hơn những nơi khác, vì vậy, rau dễ bị khô, táp lá. Tuy nhiên, nhờ áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng giúp cây trồng phát triển bộ rễ nên khả năng chống lại điều kiện thời tiết bất lợi cũng như sâu bệnh tốt hơn hẳn. Chính vì vậy, cả cánh đồng luôn xanh tốt.
Chị Dương Thị Thu Hằng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lộc Bình cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, phòng xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất rau quanh năm theo hướng VietGAP tại huyện Lộc Bình. Từ tháng 9/2017, chúng tôi phối hợp với Công ty TNHH Vũ Đại Hùng xây dựng mô hình với quy mô 1 ha. Cùng với mô hình thí điểm, công ty triển khai xây dựng vùng rau an toàn với quy mô 9 ha tại Bản Tấu, xã Tú Đoạn. Đây là vùng chủ động nước tưới, đất có thành phần cơ giới nhẹ phù hợp để canh tác các loại rau. Triển khai mô hình, Phòng NN& PTNT huyện phối hợp với công ty tiến hành cày bừa kỹ đất, phun chế phẩm sinh học với mục đích cải tạo độ tơi xốp cho đất, khử độc và phòng trừ nấm bệnh ký sinh trong đất. Kỹ thuật trồng phương pháp thủ công có hướng dẫn của Viện Rau quả. Sau khi lên luống hoàn chỉnh, rạch một đường trên đỉnh luống sâu 10 – 15 cm, bón lót 5 kg phân gà ủ sinh học, 0,5 lít phân nano sinh học hòa với 300 lít nước tưới ẩm sau đó tiến hành trồng với mật độ khoảng 10.000 cây con giống/sào. Khi cây rau được 10 ngày tuổi bón thúc lần 1 với 0,1 lít phân bón nano sinh học, 5 kg phân gà sinh học hòa tan trong 300 lít nước tưới đều khắp mặt luống; bón thúc lần 2 sau khi cây rau được 20 ngày tuổi. Sử dụng 0,1 lít nano sinh học hòa tan trong 300 lít nước tưới đẫm vườn trồng.
Bà Lưu Thúy Châm, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Đại Hùng cho biết: Việc sử dụng phân hữu cơ nano sinh học công nghệ cao và phân gà sinh học giúp cây có bộ rễ khỏe mạnh. Nhờ đó, cây có khả năng sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh tốt. Không những thế, các loại phân này còn là nguyên liệu để cải tạo và duy trì độ tơi xốp đất. Vì vậy, chúng tôi không phải sử dụng phân vô cơ cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nếu xét theo các tiêu chuẩn thì mô hình không chỉ đạt tiêu chuẩn VietGAP mà còn đang tiến gần đến sản xuất rau hữu cơ. Nhờ đưa các loại phân hữu cơ vào sản xuất nên đất không bị bạc màu mà còn được bổ sung dưỡng chất. Không cần sử dụng nhiều phân bón, không mất chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, do đó, giá thành sản phẩm luôn được giữ ở mức ngang các loại rau đang bán trên thị trường.
Theo tính toán của Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình, chi phí cho 1 sào rau trồng sử dụng công thức phân bón thông thường hết 2,6 triệu đồng thì cho thu về 6 triệu đồng. Chi phí sản xuất rau sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học nano công nghệ cao hết 2,3 triệu đồng thì thu về 8,4 triệu đồng. Có sự chênh lệnh như vậy là do sử dụng phân bón sinh học cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn. Hiện mỗi ngày Công ty TNHH Vũ Đại Hùng cung cấp ra thị trường từ 100 đến 300 kg rau các loại. Bên cạnh cung cấp cho chợ, công ty đang xúc tiến hợp đồng với các nhà hàng và bếp ăn tập thể, bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Theo bà Châm, trong thời gian tới, công ty mong muốn được tỉnh và huyện tạo điều kiện bố trí các gian hàng trên địa bàn huyện Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn, hội chợ thương mại… để quảng bá và đưa sản phẩm rau an toàn của huyện Lộc Bình đến tay người tiêu dùng. Sau 1 năm thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, ngành chức năng huyện sẽ phối hợp với Công ty TNHH Vũ Đại Hùng nhân rộng diện tích lên 100 ha; xây dựng xã Tú Đoạn thành vùng sản xuất rau hàng hóa cung cấp cho bếp ăn tại các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện và người dân trong tỉnh.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()