Lộc Bình tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng các xã khu vực biên giới
LSO – Hiện nay hầu hết các xã biên giới của huyện Lộc Bình đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, có hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chậm phát triển. Trong đó gian nan nhất vẫn là hệ thống đường giao thông liên xã và liên thôn. Chính từ thực trạng đó, cuối tháng 9/2013 vừa qua, tại buổi báo cáo với đoàn giám sát của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện một số dự án đầu tư ổn định dân cư khu vực biên giới Việt-Trung giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn huyện, UBND huyện Lộc Bình đã kiến nghị với HĐND tỉnh, nhà nước cần tăng mức đầu tư gấp 2 đến 3 lần so với mức như hiện nay để các dự án đầu tư xây dựng phát huy hiệu quả cao hơn.
Nhân dân xã Yên Khoái làm đường bê tông nông thôn
Huyện Lộc Bình có 4 xã biên giới bao gồm: Mẫu Sơn, Yên Khoái, Tú Mịch, Tam Gia thì có tới 2 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2008-2012 (Mẫu Sơn-Tam Gia) và hai xã còn lại cũng nằm trong diện khó khăn. Trong những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vào khu vực xã biên giới, bộ mặt nông thôn biên giới của Lộc Bình đã được cải thiện đáng kể. Bằng nguồn vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc chương trình 120 giai đoạn 2006-2010, huyện Lộc Bình đã triển khai đưa vào sử dụng 16 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các thôn bản. Trong đó có 3 công trình giao thông, 5 công trình điện sinh hoạt, 4 công trình trường học, 2 công trình thủy lợi và 1 trụ sở UBND xã, 1 công trình nước sinh hoạt. Về triển khai chương trình 135 tại hai xã Mẫu Sơn và Tam Gia, huyện đã phê duyệt đầu tư cho 17 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu với tổng kế hoạch vốn đã thực hiện 7,5 tỷ đồng. Các dự án thuộc nguồn vốn 135 huyện Lộc Bình chủ yếu tập trung đầu tư vào xây dựng 9 công trình điện sinh hoạt và 4 công trình nhà văn hóa thôn, còn lại là các công trình khác như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt. Ngoài ra, Đoàn kinh tế quốc phòng 338 đã đầu tư xây dựng 1.552 m kênh mương thôn Bản Luồng xã Tú Mịch với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng, công trình này cung cấp nước tưới cho 62 ha đất sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của ngành chức năng, hầu hết các công trình đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn chương trình 120-135 và một số nguồn vốn khác cho các xã biên giới đã phát huy hiệu quả. Nhất là các công trình mở đường giao thông, cấp điện sinh hoạt đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc vùng sâu, giáp biên. Mặc dù vậy, do suất đầu tư từ các chương trình tới các vùng sâu biên giới nhỏ lẻ dẫn tới hiệu quả từ các công trình mang lại còn hạn chế. Từ thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng các xã biên giới trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, huyện Lộc Bình đã xây dựng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2012-2017 cho 4 xã với kế hoạch sử dụng lồng ghép các nguồn vốn là trên 40 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai hai dự án quy hoạch bố trí dân cư thành lập bản mới với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ có tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng; Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật được giao lập dự án kêu gọi đầu tư xây dựng đường Chi Ma-Tú Mịch-Bản Chắt, hiện dự án này đã thực hiện xong khâu chuẩn bị đầu tư.
Với đặc thù về vị trí địa lý cũng như tính chất quan trọng đối với khu vực biên giới huyện Lộc Bình hiện nay, các cấp, ngành đã và đang ưu tiên nguồn vốn, tăng suất đầu tư thuộc chương trình 120-135 cho các xã biên giới để tập trung phát triển hệ thống đường giao thông vành đai biên giới đến các thôn, cột mốc. Tập trung thực hiện mục tiêu này không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp cho người dân tiếp tục gắn bó bền chặt hơn với quê hương, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Công Quân
Ý kiến ()