Lộc Bình sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 95 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Chiều 30/9, UBND huyện Lộc Bình tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 95-NQ/TU, ngày 20/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2022 – 2030 trên địa bàn huyện Lộc Bình. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Theo báo cáo, tổng diện tích đất có rừng toàn huyện là trên 67.000ha; tổng diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên 3.500ha, chiếm 6,19% diện tích rừng sản xuất. Trong đó, rừng tự nhiên không có khả năng tự phục hồi là trên 1.300ha. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 95, UBND huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; đã hoàn thành việc cắm mốc phạm vi ranh giới quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất; phối hợp tổ chức tuyên truyền lồng ghép được 160 cuộc với trên 7.900 lượt người nghe. Trong quá trình thực hiện, UBND huyện đã nhận được 7 hồ sơ xin cải tạo diện tích rừng là 16,2ha. Qua thẩm định, 6 hồ sơ không đủ điều kiện phê duyệt do không đáp ứng được các điều kiện quy định để được cải tạo rừng, 1 hồ sơ hộ dân đã tự phát dọn tròng cây keo, qua kiểm tra không phát hiện dấu hiệu chặt phá rừng tự nhiên.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn còn tồn tại như: Việc thực hiện cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng tự phục hồi là nội dung mới, nên trong quá trình triển khai tại cơ sở còn lúng túng, vừa nghiên cứu vừa thực hiện; công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chủ yếu là tuyên truyền lồng ghép; diện tích rừng tự nhiên của huyện cơ bản chưa đáp ứng được các điều kiện để cải tạo rừng; nhu cầu trồng rừng của Nhân dân tăng trong khi quỹ đất lâm nghiệp còn hạn chế....
Để khắc phục khó khăn và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 95, UBND huyện Lộc Bình tiếp tục tăng cường các giải pháp như: tuyên truyền đến 100% chủ rừng trên địa bàn về nội dung Nghị quyết số 95; rà soát, cập nhật, đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất của huyện với quy hoạch lâm nghiệp; xây dựng và thực hiện giao đất gắn với giao rừng đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp; rà soát các cá nhân, tổ chức có nhu cầu cải tạo để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời; xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là về hành vi phá rừng tự nhiên. Đồng thời, kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với HĐND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế đặc thù đối với các nội dung, biện pháp cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp; xem xét đề xuất HĐND tỉnh điều chỉnh giảm chỉ tiêu cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng tự phục hồi để phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 – 2030; tiếp tục tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia thẩm định, cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng tự phục hồi.
Ý kiến ()