Lộc Bình sau 3 năm phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi: Nan giải giữa kế hoạch và nguồn lực
Trong 3 năm qua, ngành GD&ĐT huyện đã rất cố gắng mở rộng quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non (MN) và huy động trẻ ra lớp. Từ năm 2011 đến năm 2013, toàn huyện đã tách thêm được 10 trường MN, nâng tổng số lên 26 trường; có 23/29 xã, thị trấn có trường MN. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi được bán trú và 2 buổi/ ngày đạt trên 85%. Do có sự chỉ đạo và tuyên truyền, người dân đã đồng thuận hơn, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị đã vào cuộc tốt hơn; qua đó công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực cho cấp học này được nhiều hơn, nhiều công trình như phòng học, bếp ăn, công trình vệ sinh, nước sạch được xây dựng hoặc sửa chữa như các xã Xuân Tình, Như Khuê…Nhiều xã đã dành nguồn vốn chương trình 135 hoặc các nguồn vốn khác để tập trung xây dựng trường MN như xã Lợi Bác, Tĩnh Bắc… Trong 3 năm qua, vốn xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) cho cấp học này là 1,272 tỷ đồng, thì kinh phí cấp xã đã là 432 triệu đồng và nhân dân các tổ chức, cá nhân đóng góp 270 triệu đồng. Thiết bị cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi đã dần được đáp ứng. Vì vậy, đến năm 2013, toàn huyện đã có 10 đơn vị xã, thị trấn hoàn thành công tác phổ cập.
Giờ ăn trưa của trẻ em 5 tuổi Trường Mầm non xã Hữu Lân (Lộc Bình)
Kết quả đó là một sự cố gắng lớn, song trước mắt Lộc Bình còn phải đương đầu với nhiều khó khăn để làm sao đến cuối năm 2015, toàn huyện có thêm 18 xã hoàn thành phổ cập, đưa tổng số xã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi lên 28 xã và toàn huyện được công nhận phổ cập. Khó khăn vẫn là CSVC, nhất là phòng học và các công trình phụ trợ cho trẻ em 5 tuổi theo Thông tư số 36 của Bộ GD&ĐT. Toàn huyện vẫn còn tới 6 xã chưa thành lập được trường MN, trong đó có tới 5 xã chưa có quy hoạch đất cho trường MN. Ngoài những xã khó khăn như Mẫu Sơn, Ái Quốc, Tĩnh Bắc…những xã vùng thuận lợi như Bằng Khánh, Xuân Mãn cũng rất chậm chạp trong vấn đề này. Vẫn còn tới 8 xã đã có đất nhưng chưa xây dựng được trường. Cùng chúng tôi ra thăm khu bãi san ủi gần trường tiểu học, đồng chí Ma Văn Lĩnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hữu Lân cho biết: mặc dù nguồn vốn chương trình 135 rất hạn hẹp song xã đã rất chắt chiu để có thể san ủi được mặt bằng này. Hơn 2 năm đã trôi qua, do không có vốn nên bãi đã thành đất hoang, bị xói mòn và cây cối trở nên rậm rạp. Trong khi các cháu trường MN phải học nhờ tại trường THCS. Cái sự “nhờ” này ảnh hưởng đến huy động học sinh trường THCS Dân tộc bán trú đến ở bán trú và cũng ảnh hưởng ngay đến chất lượng dạy học và nuôi dưỡng của cả 2 nhà trường.
Trong 112 phòng học của mẫu giáo 5 tuổi, chỉ có 33 phòng học đạt chuẩn theo Thông tư 36, 76 phòng còn lại có đến 39 phòng chưa đủ diện tích, 18 phòng học tạm, 11 phòng nhờ nhà văn hóa thôn, 1 phòng thuê nhà dân và 7 phòng thuộc các loại khác. Trong 52 bếp ăn, mới chỉ có 5 bếp đạt chuẩn; toàn cấp học có 39 công trình vệ sinh nhưng mới chỉ có 1 công trình đạt chuẩn. Về thiết bị cho dạy và học, hiện tại chỉ có 16/39 lớp đạt từ 90-124 danh mục tối thiểu, trong khi đó, việc phân lớp theo độ tuổi còn gặp nhiểu khó khăn vì có nhiều lớp ghép 2-3-4 độ tuổi do địa bàn rộng, nhiều điểm trường lẻ. Cô giáo Nông Thị Lý, Hiệu trưởng Trường MN xã Lợi Bác cho biết: trừ điểm trường chính được xây dựng bằng nguồn vốn 135 của xã, 6 điểm trường còn lại đều học nhờ tiểu học, rất bất cập cho công tác triển khai chuyên môn và nâng cao chất lượng nuôi dạy. Mặt khác, một số trường (Trường MN Mỏ Na Dương, Trường MN thị trấn Lộc Bình…) do trưng dụng nhà công vụ giáo viên nên rất nhỏ hẹp, số học sinh lại đông, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.
Bên cạnh khó khăn về CSVC, đội ngũ CBGV cũng là vấn đề nan giải, toàn huyện vẫn còn thiếu tới 14 cán bộ quản lý, 114 giáo viên và nhiều nhân viên nấu ăn. Giáo viên có trình độ khác chuyển sang dạy MN là 51 người, vì vậy vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp. Do điều kiện của huyện, tất cả giáo viên hợp đồng vẫn chưa được hưởng các chế độ theo Thông tư Liên tịch số 09/2013/TTLT giữa Bộ GD&ĐT- Bộ Tài chính-Bộ Nội vụ.
Trong 3 năm mới có 10 đơn vị đạt chuẩn, 2 năm còn lại phải có 18 đơn vị đạt chuẩn là một thách thức lớn đối với Lộc Bình. Thách thức ấy càng tăng khi những xã còn lại hầu hết ở vùng khó khăn. Vậy giải pháp của Lộc Bình là gì? Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thị Thúy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: một mặt phòng tiếp tục tham mưu cho huyện có kế hoạch xây dựng CSVC, đầu tư kinh phí cho trường MN, trước mắt là những đơn vị trong kế hoạch phổ cập năm 2014. UBND huyện tăng cường chỉ đạo Phòng Tài nguyên Môi trường giúp các xã quy hoạch đất cho trường MN; chỉ đạo Phòng Nội vụ sắp xếp, kiện toàn đội ngũ CBGV nhân viên MN, trước mắt là thực hiện đầy đủ chế độ đối với giáo viên hợp đồng. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục để tăng nguồn lực giáo dục và nuôi dưỡng học sinh.
Nói là như vậy, song tình hình vẫn rất nan giải do nguồn vốn có hạn. Theo kế hoạch, toàn huyện cần đầu tư 179 phòng học, song từ năm 2009 đến nay mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 33 phòng học (tỷ lệ 18%).
Ý kiến ()