Lộc Bình Phát triển OCOP từ sản phẩm thế mạnh
– Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và sự chủ động của các cơ sở sản xuất, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Lộc Bình đã và đang từng bước nâng cao chất lượng, giá trị của các sản phẩm đặc sản trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thành viên HTX Thành Lộc, thôn Nà Vàng, xã Thống Nhất kiểm tra chất lượng gà 6 ngón
Những ngày giữa tháng 2/2023, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất bánh phở Hoàng Quyên, thôn Háng Cáu, xã Đồng Bục. Tại đây, nhân viên cơ sở đang tất bật tráng bánh phở, phơi bánh và đóng gói cho khách. Chị Vi Thị Ngọc Quyên, chủ cơ sở chia sẻ: Năm 2021, sản phẩm bánh phở tươi và bánh phở khô của cơ sở được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm không chỉ được nhiều khách hàng trong và ngoài huyện tìm mua mà còn được nhiều nhà hàng ở tỉnh thành khác như: Hà Nội, Quảng Ninh…đặt hàng. Trung bình mỗi năm, doanh thu của cơ sở đạt khoảng 500 triệu đồng (tăng 50% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP).
Không chỉ cơ sở sản xuất bánh phở Hoàng Quyên, tham gia chương trình OCOP, các chủ thể có thêm cơ hội quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm. Để thực hiện hiệu quả chương trình này, ngay sau khi tỉnh triển khai chương trình, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia chương trình. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn cho hơn 1.000 lượt người; tổ chức cho các chủ thể sản phẩm OCOP tham quan học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh như: Tuyên Quang, Thái Nguyên…
Song song với đó, từ năm 2020 đến năm 2022, từ nguồn kinh phí chương trình OCOP (trên 600 triệu đồng), UBND huyện đã hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình gần 5.000 nhãn, tem truy xuất nguồn gốc; 3.000 túi và trên 1.000 hộp đựng sản phẩm; xây dựng website quảng bá; tăng cường tham gia quảng bá sản phẩm OCOP tại các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
Ông Lý Minh Hiếu, Giám đốc HTX Thành Lộc, thôn Nà Vàng, xã Thống Nhất cho biết: HTX thành lập năm 2020 với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi gà. Năm 2021, được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ, HTX đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn. Năm 2022, sản phẩm gà 6 ngón của HTX đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhờ đó, giá bán ổn định, thị trường mở rộng hơn. Từ năm 2022, trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường trên 7.000 con gà giống, tăng 30% so với trước đây.
Từ khi thực hiện đến nay, trên địa bàn huyện Lộc Bình có 7 sản phẩm được phân hạng, đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao như: bánh phở Hoàng Quyên; ô mai chanh rừng Mẫu Sơn; khau nhục Trần Sinh; gà 6 ngón Mẫu Sơn… Việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, mở ra cơ hội cho bà con tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản. Các sản phẩm sau khi đạt chứng nhận OCOP đã kết nối tiêu thụ với các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh và một số tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Các sản phẩm được lựa chọn để thực hiện chương trình OCOP đều là các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của huyện Lộc Bình như: gà 6 ngón, ô mai chanh rừng, bánh phở, khoai lang… Nhờ vậy, sản phẩm OCOP của huyện có tiềm năng, lợi thế và nét đặc sắc riêng, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ những giá trị đem lại của sản phẩm OCOP, năm 2023, huyện phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm OCOP. Phòng sẽ tiếp tục tư vấn, hướng dẫn các chủ thể đăng ký, làm hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP và đưa sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử.
Thời gian tới, huyện Lộc Bình tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, từng bước hướng tới vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ý kiến ()