Lộc Bình phát huy lợi thế cửa khẩu
LSO- Lộc Bình là huyện biên giới, có Cửa khẩu Chi Ma thông thương với Trung Quốc. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa.
Theo đánh giá của huyện, giai đoạn 2011-2015 cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng trưởng bình quân ước đạt gần 12%. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế là: nông-lâm nghiệp chiếm 36%; công nghiệp-xây dựng chiếm 31%; thương mại- dịch vụ chiếm 33%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,2 triệu đồng/người/năm.
Xuất khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình)
Để đạt được kết quả như trên, với đặc thù huyện có tuyến quốc lộ 4B chạy qua, Cửa khẩu Chi Ma là cửa khẩu xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh với Trung Quốc. Đây là điều kiện để phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện. Khai thác lợi thế đó, những năm qua, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện Lộc Bình thực hiện các chương trình, kế hoạch quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế cửa khẩu. Trong đó, chú trọng công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thông thoáng để phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Theo đó, huyện thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện giai đoạn 2011-2020, trong đó có quy hoạch phát triển khu vực Cửa khẩu Chi Ma. Phối hợp với ngành chức năng nâng cấp tuyến quốc lộ 4B; mở rộng, làm mới đường tuần tra biên giới. Đến nay, khu cửa khẩu Chi Ma đã và đang được xây dựng, phát triển các công trình như: tòa nhà liên hợp, bãi đỗ xe, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng ăn uống, đường giao thông,…
Ông Hoàng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Để phát triển kinh tế của huyện, nhất là phát huy lợi thế kinh tế Cửa khẩu Chi Ma, những năm qua cùng với các chính sách của tỉnh, huyện tạo môi trường thông thoáng để thu hút nhà đầu tư, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu. Cùng với đó, trong thực hiện các dự án tại cửa khẩu, huyện tạo mọi điều kiện để giải phóng mặt bằng; tổ chức gặp mặt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp,… Từ đó, khu cửa khẩu Chi Ma ngày càng thu hút được doanh nghiệp xuất, nhập khẩu qua địa bàn; các hoạt động dịch vụ bến bãi, ăn uống, bốc vác cho lao động địa phương đang từng bước phát triển và mở rộng;…
Từ sự quan tâm đầu tư, khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma ngày càng phát triển mở rộng, đã thu hút khoảng 15 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào khu vực cửa khẩu; hàng năm có khoảng trên 1.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn. Qua đó tạo nguồn thu cho tỉnh, huyện, trong 9 tháng năm 2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn được 224,599 triệu USD; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 178,753 tỷ đồng; thu theo Quyết định số 26/QĐ-UBND ước 65,490 tỷ đồng.
Kinh tế cửa khẩu phát triển, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, vì vậy các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Hiện tại trên địa bàn huyện có 54 doanh nghiệp (tăng 20 doanh nghiệp so với 2011), 470 cơ sở sản xuất và các hộ kinh doanh (tăng 45 cơ sở so với 2011) và 8 hợp tác xã hoạt động. Thông qua đó góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ, tăng thu ngân sách nhà nước.
Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nhất là phát huy lợi thế Khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình xác định: tạo điều kiện thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu qua địa bàn. Trong đó, trọng tâm là cụm công nghiệp Na Dương, Khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma, khu du lịch Mẫu Sơn. Đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ.
Bài, ảnh: ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()