Lộc Bình: Nông dân lao đao vì bí đao
LSO-Chỉ từ 2.000 - 2.500 đồng/kg bí đao (bí xanh), nông dân Lộc Bình không chỉ buồn tê tái mà còn đang lao đao với vụ quả này bởi không biết có thu hồi đủ số vốn đầu tư cho ruộng bí.
Nông dân xã Đông Quan (Lộc Bình) bán bí đao cho thương lái chỉ từ 2.000 – 2.500 đồng/kg |
Chúng tôi có mặt tại xã Đông Quan – vùng trồng nhiều bí đao nhất huyện Lộc Bình vào một ngày cuối tháng 6/2016. Dọc con đường vào xã có gần chục điểm bày bán bí đao của nông dân chờ thương lái đến thu mua. Tại thôn Khòn Phạc, chị Hứa Thị Thu vừa xếp bí vừa nói với chúng tôi “Các cô phóng viên lấy được bao nhiêu quả thì chị biếu. Rẻ quá chỉ có 2.000 đồng/kg chị cũng chẳng bõ lấy tiền”. Vừa nói, chị Thu vừa nhanh tay cho vào bao hơn chục quả bí, mỗi quả cũng ngót nghét 2 – 3 kg. Nghĩ đến công sức của nông dân nên chúng tôi nhất định trả tiền. Đưa chị Thu 50.000 đồng, chị còn cố nhét vào bao thêm mấy quả bí cho chúng tôi.
Cũng giống như chị Thu, gia đình anh Vy Văn Tuyên, thôn Khòn Phạc, xã Đông Quan cũng thất thu vụ bí: “Nhà tôi trồng 3 sào bí, ước sản lượng khoảng 3 tấn thì bây giờ còn gần một nửa chưa bán được. Số bí đã bán chỉ được 2.000 – 2.500 đồng/kg. Cả vụ này mà bán được hết thì may ra thu được khoảng 7 triệu đồng. Số tiền này chỉ kéo lại được tiền mua giống, phân bón. Coi như công cốc 3 tháng trồng bí”.
Ông Phan Văn Trưởng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Quan cho biết: Toàn xã có diện tích bí đao trên 23 ha. Đến nay, chỉ có một phần đã thu hoạch và tiêu thụ được. Số còn lại, bà con nông dân không biết tìm cách nào để tiêu thụ, đành phải chờ tư thương đến mua với giá bị ép. Không bán được đành để bí thối ở ruộng bởi lợn và gia súc không ăn loại quả này.
Không chỉ tại Đông Quan mà tình trạng giá bí đao quá thấp, lại khó tiêu thụ đang khiến nhiều hộ nông dân ở Lộc Bình “khóc dở, mếu dở”. Bà Vy Thị Ngoan, thôn Bản Chành, xã Lợi Bác chia sẻ: “Năm ngoái bí đao được giá từ 8.000 – 10.000/kg nên năm nay tôi mới bỏ trồng ớt chuyển sang trồng bí. Ai ngờ giá năm nay quá thấp lại không có người mua. Hằng ngày, vừa tìm người đến mua vừa tranh thủ gánh ra chợ bán, không biết bao giờ mới kéo lại vốn của 2 sào bí”.
Bí đao không phải là loại cây trồng mới ở Lộc Bình. Tuy nhiên, những năm trước, diện tích trồng ổn định chỉ dao động từ 30 – 40 ha, như năm 2015 là 39 ha. Cùng đó, các địa phương khác chưa trồng loại cây này nhiều nên giá bán trên thị trường ổn định từ 8.000 – 12.000 đồng/kg. Trong khi đó vụ bí năm nay, toàn huyện Lộc Bình có diện tích trồng bí đao lên tới 137 ha, tăng 3,5 lần so với vụ bí năm ngoái. Ước tổng sản lượng cả vụ bí gần 3.000 tấn, tổng thu chỉ khoảng hơn 6 tỷ đồng, xấp xỉ bằng tổng giá trị vụ bí đao năm ngoái.
Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: do vụ trước thấy bí đao được mùa, được giá nên năm nay nông dân ồ ạt bỏ trồng các loại cây được bao tiêu sản phẩm đi trồng bí, bất chấp sự cảnh báo của các ngành chức năng. Trong khi đó sức tiêu thụ của thị trường không tăng nên dẫn đến tình trạng giá bí đao thấp, nông dân thất thu. Nhiều hộ may mắn bán được, thu hồi được vốn, nhiều hộ không biết tiêu thụ bí đao đi đâu.
Đây là bài học quý báu trong sản xuất nông nghiệp đối với người nông dân Lộc Bình. Với loại cây gì cũng vậy, trước khi trồng, bà con nông dân nên tìm hiểu kỹ thị trường, không nên tự phát trồng ồ ạt như bí đao năm nay. Nếu cứ trồng tự phát thì việc “mất mùa – được giá”, “được mùa – mất giá” vẫn sẽ tiếp diễn.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()