Lộc Bình: Niềm vui trước “cơ hội vàng”
(LSO) – Chỉ còn vài ngày nữa (10/9), cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc) sẽ chính thức được công bố. Việc nâng cấp thành cặp cửa khẩu song phương sẽ tạo đà để hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma ngày càng sôi động hơn. Và đây là “cơ hội vàng” để Lộc Bình khơi dậy tiềm năng, phát triển kinh tế – xã hội.
Khơi bật tiềm năng sẵn có
Lộc Bình là huyện biên giới, có cửa khẩu Chi Ma thông thương với Trung Quốc. Những năm qua, khai thác lợi thế đó, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện Lộc Bình thực hiện các chương trình, kế hoạch quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế cửa khẩu. Theo đó, huyện thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020, trong đó có quy hoạch phát triển khu vực cửa khẩu Chi Ma; phối hợp với ngành chức năng nâng cấp tuyến quốc lộ 4B; mở rộng, làm mới đường tuần tra biên giới.
Đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (thứ nhất từ trái sang) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị lễ công bố chính thức cặp cửa khẩu song phương. Ảnh: TRÍ DŨNG
Từ sự quan tâm đầu tư đó, Khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma ngày càng phát triển. Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý cửa khẩu Chi Ma, hằng năm có trên 1.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Ông Hoàng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Phát huy lợi thế cửa khẩu Chi Ma, đặc biệt là khi cửa khẩu chính thức trở thành cặp cửa khẩu song phương, cùng với các chính sách của tỉnh, huyện sẽ tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh vào khu vực cửa khẩu. Ngoài ra sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn. Với việc nâng cấp thành cửa khẩu song phương, tin rằng sẽ góp phần gia tăng các hoạt động dịch vụ tại cửa khẩu. Thông qua đó giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.
“Cơ hội vàng”
Cửa khẩu Chi Ma có vị trí thuận lợi trong phát triển kinh tế, đồng thời kết nối với khu kinh tế ven biển trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh.
Với vị trí địa lý như vậy, khi cửa khẩu Chi Ma và Ái Điểm chính thức trở thành cặp cửa khẩu song phương sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh… Trong đó, hoạt động xuất nhập cảnh không chỉ áp dụng với người có giấy thông hành như trước đây mà còn áp dụng với người có hộ chiếu là cư dân hai nước. Việc sử dụng hộ chiếu sẽ có thời gian lưu lại và đi được toàn bộ trên lãnh thổ mỗi nước (nếu sử dụng giấy thông hành thì chỉ có giá trị trong một ngày với phạm vi chỉ trong một khu vực). Trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu sẽ được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi theo thông lệ quốc tế và thỏa thuận song phương đã ký kết giữa hai bên; được hưởng chính sách của khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc. Với những cơ chế mở như vậy, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu mở tờ khai, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Chi Ma.
Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực cửa khẩu Chi Ma tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện
Ông Lý Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khoái cho biết: Yên Khoái là xã biên giới và đã đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2016, nhưng thu nhập của nhân dân trên địa bàn hiện chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp. Thời điểm này, hoạt động dịch vụ tại cửa khẩu Chi Ma bắt đầu khởi sắc hơn, từ đó, nhiều bà con trong xã đã thêm thu nhập từ hoạt động bốc xếp hàng hóa cho các doanh nghiệp. Hy vọng, với việc cửa khẩu Chi Ma và Ái Điểm chính thức trở thành cặp cửa khẩu song phương sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho nhân dân trong xã, từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên 25 triệu đồng/người/năm (hiện đạt 22,3 triệu đồng/người/năm) vào cuối nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Trong thời gian qua, huyện Lộc Bình đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền qua các phương tiện thông tin truyền thông, đồng thời tuyên truyền trực quan (băng zôn, khẩu hiệu…) cho nhân dân trên toàn huyện biết về sự kiện quan trọng này. Qua nắm bắt, người dân trên địa bàn rất vui mừng bởi đây là điều kiện và là cơ hội cho phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn nói chung, huyện Lộc Bình nói riêng.
TRÍ DŨNG – ĐỖ HOẠT
Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Minh (doanh nghiệp đầu tư vào khu vực cửa khẩu Chi Ma): “Hệ thống kho hàng, bến bãi của công ty đã được xây dựng và mở rộng từ nhiều năm qua (trên diện tích 2,5ha), tuy nhiên, do những yêu cầu và thay đổi trong hoạt động giao thương biên giới, lưu lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma trong thời gian qua sụt giảm. Hy vọng với việc cửa khẩu Chi Ma và Ái Điểm chính thức trở thành cặp cửa khẩu song phương, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng mạnh trở lại. Điều này rất có ý nghĩa không chỉ với doanh nghiệp chúng tôi, mà còn đối với các doanh nghiệp khác đang đầu tư vào hệ thống dịch vụ, kho hàng, bến bãi”.
Chị Lý Thị Phương, thôn Gốc Nhãn, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình: “Gia đình tôi chủ yếu là làm nông nghiệp, thời gian nông nhàn, tôi sang bên cửa khẩu Ái Điểm (Trung Quốc) để sang tải hàng hóa, thu nhập từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/ngày. Tôi mong muốn, khi cửa khẩu Chi Ma (Việt Nam) -Ái Điểm (Trung Quốc) chính thức công bố cửa khẩu song phương, hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu sẽ nhiều hơn, người dân sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập”. |
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()