Lộc Bình: Nhân rộng mô hình trồng khoai lang VietGAP
– Những năm qua, UBND huyện Lộc Bình đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển mô hình trồng khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Người dân trong Tổ sản xuất khoai lang VietGAP Pò Lèn – Pá Ôi, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình thu hoạch khoai lang
Lộc Bình là huyện có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng, phát triển cây khoai lang. Từ năm 2018, sản phẩm khoai lang của huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Lộc Bình”. Mặc dù đã hình thành vùng trồng theo hướng hàng hóa, từng bước tạo dựng được thương hiệu “Khoai lang Lộc Bình” nhưng trước đây, việc sản xuất của người dân chủ yếu vẫn theo phương thức canh tác truyền thống, năng suất và chất lượng chưa cao.
Để nâng giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, năm 2020, huyện Lộc Bình đã bắt đầu triển khai dự án “Mô hình liên kết sản xuất cây khoai lang theo hướng VietGAP gắn với phát triển thương hiệu trên địa bàn huyện” với diện tích 12 ha tại xã Khuất Xá. Qua kết quả triển khai mô hình bước đầu cho thấy, cây khoai lang sinh trưởng, phát triển tốt hơn, cho năng suất cao và mẫu mã đẹp hơn so với khoai lang không áp dụng trồng theo quy trình VietGAP.
Đến năm 2022, huyện tiếp tục phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai mô hình tại thôn Pò Lèn – Pá Ôi, thị trấn Lộc Bình với quy mô 12,42 ha. Bà Lộc Thị Tròn, Tổ trưởng Tổ sản xuất khoai lang VietGAP Pò Lèn – Pá Ôi cho biết: Tháng 7/2022, tổ sản xuất được thành lập với 83 hộ tham gia. Khi thu hoạch, chúng tôi nhận thấy mẫu mã củ khoai VietGAP rất đẹp, năng suất đạt 23,8 tấn/ha, cao hơn khoảng 3,6 tấn/ha so với trước đây. Cuối năm 2022, sản phẩm khoai lang của tổ sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Để tiếp tục phát triển mô hình, năm 2023, tổ đã mở rộng diện tích trồng khoai lang VietGAP thêm 3 ha, nâng tổng diện tích lên trên 15 ha.
Tiếp nối thành công của mô hình, năm 2023, huyện Lộc Bình tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Tú Đoạn, Tú Mịch, Khuất Xá và thị trấn Lộc Bình với tổng diện tích 24,5 ha.
Ông Lành Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Đoạn cho biết: Năm 2023, mô hình trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP được triển khai trên địa bàn xã với diện tích trên 4 ha. Tất cả các hộ tham gia mô hình đều được hỗ trợ phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật. Qua quá trình triển khai mô hình cho thấy, năng suất đạt khoảng 18 đến 20 tấn/ha, cao hơn từ 3 đến 3,6 tấn/ha so với trước khi triển khai. Không chỉ cho năng suất cao hơn, mẫu mã khoai đẹp hơn, chất lượng đảm bảo. Hiện nay, khoai VietGAP được bán ra thị trường với giá dao động từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg (bán buôn) và từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg (bán lẻ), cao hơn từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg so với khoai lang thông thường.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, khoai lang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng tốt và có khả năng chống chịu được sâu bệnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP còn giúp người dân tiết giảm được chi phí và công chăm sóc, tăng hiệu quả kinh tế.
Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Để hỗ trợ các hộ tham gia mô hình, phòng đã phối với các đơn vị liên quan hỗ trợ vật tư nông nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Theo đó, tính từ năm 2020 đến nay, phòng đã phối hợp tổ chức được 6 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân; hỗ trợ giống, phân bón hữu cơ; vật tư phục vụ sản xuất; bao bì sản phẩm và biển chỉ dẫn cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời, phòng phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký và thực hiện các biện pháp chăm sóc theo đúng quy trình.
Huyện Lộc Bình hiện có trên 420 ha trồng khoai lang, sản lượng trung bình hằng năm đạt từ 3.800 đến 4.000 tấn/năm, cho giá trị kinh tế đạt khoảng 40 tỷ đồng. Từ hiệu quả thiết thực, thời gian tới, chính quyền, ngành chức năng của huyện Lộc Bình tiếp tục truyên truyền, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP; chủ động tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người dân; từng bước xây dựng mã số vùng trồng, hướng đến mục tiêu xuất khẩu nhằm khẳng định giá trị, thương hiệu sản phẩm “Khoai lang Lộc Bình” trên thị trường.
Ý kiến ()