Lộc Bình: Nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
(LSO) – Những năm qua, việc thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tại huyện Lộc Bình đã phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và người dân, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đặt ra.
Ông Vi Văn Thái, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo QCDC cơ sở huyện cho biết: Hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện đã cụ thể hóa văn bản cấp trên, hướng dẫn các đơn vị rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản đã có và tiếp tục ban hành những văn bản mới để thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là những vấn đề chưa thực hiện tốt như: đền bù giải phóng mặt bằng, công khai tài chính; gắn việc thực hiện QCDC cơ sở với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới…
Tại các xã, thị trấn, việc thực hiện QCDC được duy trì khá tốt, tất cả các xã, thị trấn đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở. Mọi thông tin cũng như các vấn đề liên quan tới đời sống người dân như: tình hình phát triển kinh tế – xã hội; việc quản lý, sử dụng các loại công quỹ; bình xét hộ nghèo… đều được thông báo công khai, minh bạch. Nhân dân được trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định, giám sát công việc quan trọng như: quy hoạch đất đai, xây dựng nông thôn mới, xây dựng quy ước, hương ước.
Người dân thị trấn Lộc Bình tham khảo thông tin trên bảng niêm yết các thủ tục hành chính
Ông Lương Doãn Nho, Bí thư Chi bộ thôn Lăng Xè, xã Đồng Bục cho biết: Trong thôn, mọi hoạt động đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của người dân. Đơn cử như: để xây dựng cầu bắc qua suối phục vụ nhu cầu đi lại của bà con, thôn đã tổ chức họp nhiều lần để lấy ý kiến về các vấn đề: hiến đất, đóng góp tiền, ngày công, lập tổ thi công, giám sát. Qua đó, người dân trong thôn đã nhất trí đóng góp và hoàn thành cây cầu với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng.
Một trong những điểm nổi bật mà huyện Lộc Bình làm tốt trong phát huy dân chủ là tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân. Năm 2017, huyện đã tổ chức đối thoại hai cấp (cấp huyện và 100% các xã, thị trấn). Tháng 6/2018, UBND huyện tiếp tục tổ chức đối thoại chuyên đề về đất lâm nghiệp đối với nhân dân 3 xã: Tam Gia, Tú Mịch, Nam Quan. Tại đây, đã có 13 lượt ý kiến của người dân trao đổi về quyền sử dụng đất. Cấp ủy, chính quyền huyện đã giải đáp các thắc mắc trong thẩm quyền, đồng thời giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, trả lời người dân. Trong tháng 10 tới, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ tổ chức đối thoại cấp cơ sở để tiếp tục nắm bắt, giải đáp những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Cùng với các xã, thị trấn, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện cũng nghiêm túc thực hiện QCDC. 100% các đơn vị đều tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức và hoàn thiện quy chế làm việc, chi tiêu nội bộ. Trong các cuộc họp, cán bộ, công chức đều được thảo luận công khai mọi vấn đề như: kế hoạch công tác, các nguồn kinh phí, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đánh giá lao động… qua đó, phát huy tối đa quyền dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy, chính quyền luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm, ban chỉ đạo thực hiện QCDC cùng các đoàn thể, tổ chức chính trị thành lập được ít nhất 3 đoàn kiểm tra, giám sát tại các đơn vị trực thuộc. Qua đây giúp đánh giá việc tổ chức thực hiện QCDC tại cơ sở, kịp thời giải quyết những vướng mắc như: việc rà soát hộ nghèo, chế độ, chính sách xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục hạn chế.
Việc triển khai nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời tạo được niềm tin cho quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Ý kiến ()