Lộc Bình: Làm tốt công tác xã hội hóa xây dựng cầu, kết nối giao thông
(LSO) – Trong những năm qua, huyện Lộc Bình đã làm tốt công tác xã hội hóa xây dựng các công trình cầu, tạo sự kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Trước năm 2015, muốn đến trung tâm huyện Lộc Bình, gần 200 gia đình ở xã Lục Thôn phải đi qua cầu tạm Hát Lại do người dân tự làm. Bởi là cầu tạm nên việc hư hỏng, xuống cấp gây mất an toàn thường xuyên diễn ra. Tình trạng này cũng diễn ra tại khu vực cầu tạm Hát Cáy thuộc xã Vân Mộng kết nối với xã Xuân Lễ huyện Lộc Bình. Do là cầu tạm được lắp dựng bằng các vật liệu cây que giản đơn nên thời gian tồn tại của các cầu tạm này rất ngắn (mỗi năm làm lại một lần) do không có khả năng chống chịu mỗi khi mùa mưa lũ về.
Ông Hoàng Vĩnh Hưng, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cho biết: Quy hoạch xây dựng các cây cầu trên sông Kỳ Cùng qua địa bàn huyện đã được thông qua nhưng nguồn để triển khai là bài toán khó đối với huyện.
Nhằm giải quyết vấn đề này, một mặt, huyện tiếp tục kiến nghị với tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cầu theo quy hoạch, mặt khác kêu gọi sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Công trình cầu Ngôi Sao, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình do Trường liên cấp THCS – Tiểu học Ngôi Sao tài trợ
Hưởng ứng lời kêu gọi của huyện và những kiến nghị của xã Lục Thôn, năm 2015 doanh nghiệp tư nhân Đức – Tín – Hưng (thị trấn Lộc Bình) đã hỗ trợ vốn để xây cầu bằng phương pháp lắp ghép tấm bê tông cốt thép gần với vị trí cầu tạm Hát Lại (nối xã Lục Thôn với thị trấn Lộc Bình).
Ông Nguyễn Đình Đông, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức –Tín – Hưng cho biết: Làm cầu to, đẹp phải mất hàng chục tỷ đồng, doanh nghiệp không đủ lực để thực hiện, sau khi khảo sát kỹ thực địa và tham khảo các đơn vị tư vấn xây dựng công trình giao thông của tỉnh, doanh nghiệp quyết định thực hiện xây dựng cầu Hát Lại bằng phương pháp đổ cột bê tông và lắp ghép mặt bằng tấm bê tông cốt thép. Ưu điểm của phương pháp này là thi công nhanh, chi phí rẻ và phù hợp với điều kiện thực tế.
Sau gần 3 tháng thi công, công trình cầu Hát Lại với chiều dài 70 m bắc qua sông Kỳ Cùng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng với kinh phí 800 triệu đồng. Sau đó, năm 2016 doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng cầu Hát Cáy kết nối xã Vân Mộng với xã Xuân Lễ cũng bằng phương pháp như cầu Hát Lại, quy mô chiều dài 90 m mặt cầu 3,5 mét với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng.
Ngoài sự chung tay của doanh nghiệp, trong năm 2018, người dân tại xã Tú Đoạn được Trường liên cấp THCS – Tiểu học Ngôi Sao Hà Nội tài trợ xây dựng cây cầu bằng bê tông bắc qua sông Kỳ Cùng. Cây cầu này có quy mô cầu bê tông cốt thép, chiều dài 65 m mặt cầu rộng 4,3 m, với kinh phí chỉ 1,1 tỷ đồng.
Tính từ năm 2015 đến năm 2019, huyện Lộc Bình đã huy động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân được trên 3 tỷ đồng để cứng hóa được 7 cây cầu với tổng chiều dài 320 m, mặt cầu 3,5 m đến 4,2 m bắc qua sông Kỳ Cùng và các con suối.
Hiện nay, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình tiếp tục vận động nguồn lực để “xóa” 8 vị trí cầu tạm qua sông, suối trên địa bàn tại các xã: Xuân Tình, Ái Quốc, Hữu Lân, Nam Quan, Hiệp Hạ, Sàn Viên với chiều dài 162 m. Giữa tháng 11/2019 có nhà tài trợ nước ngoài đang thực hiện khảo sát để đầu tư một cây cầu nông thôn tại xã Xuân Tình với kinh phí ước tính khoảng gần 1 tỷ đồng.
Với sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Lộc Bình đang từng bước “xóa” cầu tạm, thay vào đó là cầu kiên cố, đảm bảo bền vững, an toàn, tạo sự kết nối giao thông. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.
TRANG NINH
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()