Lộc Bình: Khó khăn trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa lai
LSO-Theo Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Bình ngày 2/6/2011 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa trên địa bàn huyện Lộc Bình giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đặt ra là đưa giống lúa lai tăng diện tích vụ xuân từ 1050 ha vụ xuân năm 2012 lên 1.100 ha vào năm 2015 và vụ mùa từ 100 ha năm 2012 lên 200 ha vào năm 2015.
LSO-Theo Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Bình ngày 2/6/2011 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa trên địa bàn huyện Lộc Bình giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đặt ra là đưa giống lúa lai tăng diện tích vụ xuân từ 1050 ha vụ xuân năm 2012 lên 1.100 ha vào năm 2015 và vụ mùa từ 100 ha năm 2012 lên 200 ha vào năm 2015. Tuy nhiên, đến giữa năm 2013, một nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết số 04 của Huyện ủy đã qua nhưng qua số liệu của phòng chuyên môn về kết quả thực hiện chương trình trong 2 năm qua cho thấy các chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra khó thực hiện.
Ông Khèn bên diện tích cánh đồng mẫu lớn xã Tú Đoạn |
Vụ xuân 2012, toàn huyện Lộc Bình đã tổ chức trồng được khoảng 2.200 ha lúa xuân, trong đó, dự kiến đưa các giống lúa lai như Nhị ưu 838, LS1, SYN6, BIO 404 vào sản xuất trên diện tích 1.050 ha. Nhưng kết thúc vụ xuân, toàn huyện chỉ thực hiện được khoảng 949,2 ha các giống lúa lai kể trên vào sản xuất và đạt 90,4% kế hoạch. Còn đối với vụ mùa 2012, dự kiến toàn huyện đưa các giống lúa lai vào sản xuất khoảng 100 ha, kết quả toàn huyện đã thực hiện được trên 112 ha. Nhưng trong số 112 ha vụ mùa có tới 26 ha huyện tổ chức thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu vụ lúa mùa sớm với giống Nhị ưu 838 tại 4 xã là Sàn Viên, Lợi Bác, Như Khuê và Đông Quan. Thực tế diện tích đưa cây lúa lai vào sản xuất đại trà vụ mùa chỉ đạt 86 ha – một diện tích không đáng kể so với tổng diện tích gieo cấy lúa mùa toàn huyện Lộc Bình là trên 4.000 ha. Đối với diện tích vụ xuân 2013, việc đưa các giống lúa lai vào sản xuất đại trà cũng không đạt kế hoạch, toàn huyện phấn đấu đưa giống lúa lai vào sản xuất bằng diện tích vụ xuân 2012 nhưng thực tế chỉ thực hiện được 911,6 ha, giảm trên 37 ha và đạt khoảng 96% kế hoạch. Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình thì vụ mùa 2013, diện tích lúa lai có xu hướng tiếp tục giảm so với kế hoạch của huyện đề ra. Thực tế tại một số xã trên địa bàn huyện Lộc Bình trong nhiều năm trở lại đây cho thấy, việc đưa giống lúa lai vào sản xuất ngày càng có xu hướng giảm về diện tích.
Theo số liệu của huyện Lộc Bình, trong năm 2009 và 2010, khi chưa có Nghị quyết 04 của Huyện ủy, vụ xuân 2009 huyện trồng được 1.080 ha giống lúa lai, đến vụ xuân năm 2010 diện tích lúa lai chỉ đạt được 876 ha. Vụ xuân năm 2012 đạt diện tích 949,2 ha và vụ xuân 2013 chỉ thực hiện 911,6 ha. Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho biết nguyên nhân đạt thấp do chuyển đổi cơ cấu giống đã làm thay đổi cơ cấu thời vụ cũng như tập quán canh tác của người dân. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thất thường, diễn biến sâu bệnh ngày càng phức tạp, diện tích chủ động được nước tưới còn thấp, cộng với yêu cầu về kỹ thuật, đầu tư, giống, phân bón trong chăm sóc các giống lúa lai đòi hỏi cao hơn các giống lúa khác cũng làm cho diện tích lúa lai chưa đạt được so với kế hoạch. Không những vậy, năng suất lúa lai thường đạt rất cao (bình quân đạt khoảng 230 đến 240kg/sào) nhưng cũng không giúp đời sống nông dân khá thêm là mấy, đầu ra của sản phẩm gặp nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân khó tăng diện tích trồng lúa lai vào cơ cấu mùa vụ ở Lộc Bình trong những năm qua. Điều này cũng lý giải vì sao vụ mùa nông dân chỉ trồng giống lúa truyền thống là giống bao thai trong sản xuất cây lương thực.
Ông Hà Văn Khèn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tú Đoạn cho biết, từ năm 2010 trở lại đây, năm nào xã cũng vận động bà con đưa giống lúa lai vào sản xuất, tuy diện tích chiếm không đáng kể, năng suất khá rất cao nhưng hiệu quả kinh tế thì rất hạn chế, sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ chăn nuôi là chính. Số liệu của xã cho thấy vụ xuân 2013, tổng diện tích lúa toàn xã trên 260 ha, tuy nhiên diện tích lúa lai vụ xuân chỉ chiếm khoảng 20%. Ông Khèn cho biết thêm, vụ xuân 2013, xã được làm thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn 5 ha, áp dụng biện pháp gieo sạ đối với giống lúa lai LS1, có 24 hộ tham gia. Kết quả năng suất rất tốt, khả năng nhân rộng mô hình khả quan, nhưng năng suất cao mà không được giá, khó tiêu thụ, không có thị trường thì chắc chắn bà con sẽ không mặn mà.
Nông dân xã Đồng Bục ứng dụng công nghệ gieo sạ vào sản xuất |
Trước thực tế việc đưa giống lúa lai vào cơ cấu mùa vụ của huyện Lộc Bình gặp nhiều khó khăn, ông Hoàng Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết, tới đây huyện sẽ thực hiện sơ kết hai năm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống lúa lai vào cơ cấu mùa vụ, trên cơ sở nghe các xã báo cáo kết quả, huyện sẽ có biện pháp chỉ đạo điều chỉnh kịp thời về chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống lúa lai trên địa bàn sao cho việc đưa giống lúa mới vào sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()