Lộc Bình: Hướng phát triển kinh tế mới từ cây ăn quả
(LSO) – Trong vài năm trở lại đây, cùng với việc phát triển kinh tế rừng, người dân trên địa bàn huyện Lộc Bình đã đầu tư trồng, phát triển diện tích một số loại cây ăn quả, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có dịp đi cùng cán bộ xã Khánh Xuân tham quan mô hình trồng cây ăn quả tại thôn Tằm Lịp vào ngày đầu tháng 1/2021, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vườn bưởi Diễn sai trĩu quả của gia đình chị Lường Thị Thanh. Năm 2015, chị đã chuyển đổi 10 sào đất trồng ngô cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng 350 cây bưởi Diễn. Sau ba năm chăm sóc, toàn bộ diện tích bưởi đã cho thu hoạch. Chị Thanh cho biết: Từ khi chuyển sang trồng bưởi, thu nhập của gia đình tăng lên nhiều lần. Nếu như trước đây, từ diện tích đất vườn này gia đình tôi thu nhập chỉ khoảng 6 đến 7 triệu đồng/năm thì hiện nay, với 350 cây bưởi, gia đình tôi đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Cuộc sống dần ổn định và khá hơn rất nhiều.
Người dân thôn Tằm Lịp, xã Khánh Xuân thu hoạch bưởi Diễn
Xã Khánh Xuân là một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn nhất của huyện Lộc Bình. Ông Hứa Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm trước người dân ở xã đã trồng cây ăn quả, tuy nhiên, diện tích ít và còn manh mún. Năm 2015, chính quyền xã tích cực tuyên truyền người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả. Đặc biệt, thực hiện mô hình trồng bưởi Diễn giai đoạn 2016 – 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, UBND xã đã hỗ trợ giống, phân bón cho 5 hộ với diện tích 5 ha, tổng số tiền hỗ trợ 200 triệu đồng. Nhờ đó đến nay, diện tích cây ăn quả ở xã được mở rộng với tổng diện tích 25 ha. Trong đó, chủ yếu tập trung vào cây có múi, ổi, táo đại… mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân trong xã có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ xã Khánh Xuân, xã Thống Nhất cũng là điển hình trong phát triển cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao của huyện. Toàn xã hiện có trên 10 ha cây ăn quả. Ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Hằng năm, chính quyền xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 2 lớp tập huấn lồng ghép về trồng cây ăn quả, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tại 21/21 thôn. Nhờ đó, giá trị sản xuất cây ăn quả đem lại khá cao, thu nhập trung bình từ 100 đến 250 triệu đồng/hộ dân. Góp phần cải thiện cuộc sống người dân nói riêng và phát triển kinh tế của xã nói chung.
Hiện nay, trồng cây ăn quả đã phát triển ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện với tổng diện tích khoảng hơn 100 ha, chủ yếu là cây ăn quả có múi, ổi, táo đại, mận. Trong đó, tập trung nhiều tại các xã: Khánh Xuân, Tú Đoạn, Hữu Khánh, Xuân Dương, Thống Nhất. Để bà con sản xuất có hiệu quả, UBND huyện đã triển khai những giải pháp tích cực.
Cụ thể, năm 2019, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện (NN&PTNN) đã hỗ trợ hệ thống tưới phun tự động cho 32 hộ tại thôn Tằm Lịp, xã Khánh Xuân với tổng số tiền 315 triệu đồng. Bên cạnh đó, phòng phối hợp với Trung tâm Dich vụ Nông nghiệp huyện tổ chức 126 cuộc tuyên truyền lồng ghép về phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 5.000 lượt người dân tham dự.
Nhờ sự quan tâm của chính quyền huyện, sự hưởng ứng tích cực từ hộ dân, việc trồng và phát triển cây ăn quả đang dần đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện nay, ngoài việc phát triển kinh tế rừng, trồng cây ăn quả đang là hướng đi phát triển kinh tế mới của người dân trên địa bàn với hiệu quả kinh tế trung bình từ 100 đến 300 triệu đồng/hộ/năm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất cây ăn quả áp dụng khoa học kỹ thuật. Đồng thời, định hướng cho bà con mở rộng sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa, tránh trồng ồ ạt “được mùa mất giá”.
THÙY DUNG
Ý kiến ()