Lộc Bình đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn nghệ quần chúng
– Huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng (VNQC) là giải pháp quan trọng được cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình thực hiện những năm qua nhằm góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, VNQC trên địa bàn huyện ngày một phát triển.
Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động văn hóa, những năm qua, phòng đã tham mưu UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn căn cứ tình hình, nhiệm vụ thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể. Từ đó, công tác XHH hoạt động văn hóa, VNQC được đẩy mạnh, từ huy động nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ đến việc xây dựng các CLB và đội VNQC. Qua đây, các hoạt động văn hóa, VNQC thu hút đông đảo người dân tham gia, ủng hộ và đạt được những kết quả tích cực.
Các thành viên CLB hát then – đàn tính Khánh Xuân, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình biểu diễn tại lễ bế giảng lớp truyền dạy hát dân ca năm 2022
Đến nay, Lộc Bình đã phát triển được 57 CLB văn hóa, đội VNQC với 873 thành viên. Các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ đều hoạt động theo phương thức XHH, các thành viên tự đóng góp kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ, bình quân từ 50.000 – 200.000 đồng/người/tháng. Trong đó, nhiều CLB phát triển mạnh như: CLB Hát then – Đàn tính xã Khánh Xuân; CLB Hát then thị trấn Lộc Bình; CLB Khiêu vũ thể thao Mai Hà (thị trấn Na Dương)…
Ghi nhận tại CLB Hát then – Đàn tính xã Khánh Xuân, từ đầu tháng 3/2023 đến nay, đều đặn hằng ngày, các thành viên CLB lại cùng nhau sinh hoạt, tập luyện và tích cực luyện tập những điệu múa Chầu, gảy đàn tính và học hát những bài mới. Những tiết mục hay sẽ được chọn đi biểu diễn giao lưu và phục vụ các chương trình lớn của xã, huyện. Được biết, CLB mới được thành lập từ đầu năm 2022 với hơn 50 hội viên, độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng CLB nhận được sự hưởng ứng tham gia rất tích cực từ các thành viên. Bà Vy Thị Thơm, thành viên CLB cho biết: Để nâng cao chất lượng các tiết mục biểu diễn, tôi và chị em trong CLB đều tự bỏ tiền túi may đồng phục, mua thêm đàn tính và đóng góp mỗi người 200.000 đồng để mời giáo viên về truyền dạy. Đến nay, ở CLB ai cũng đều có 3 bộ trang phục dân tộc và nhạc cụ để biểu diễn. Khi được mời biểu diễn giao lưu, chúng tôi đều đóng góp kinh phí tham gia.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” việc xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao phục vụ các hoạt động văn hóa, VNQC tại các khu dân cư cũng luôn được chính quyền huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đây, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã sửa chữa và xây mới 13 nhà văn hóa với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng, trong đó, nguồn lực XHH là gần 1 tỷ đồng. Đến nay, 100% thôn, khu phố trên địa bàn huyện có nhà văn hóa. Nhờ các thiết chế văn hóa mà các CLB, đội văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn huyện có địa điểm luyện tập, hoạt động hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Na Dương cho biết: Hằng năm, chúng tôi đều đưa nội dung XHH các hoạt động văn hóa vào kế hoạch thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân. Đến nay, thị trấn đã có 3 CLB văn hóa, VNQC; thành viên các CLB tự nguyện đóng góp kinh phí và là các hạt nhân tham gia các hoạt động văn nghệ tại địa phương.
Được biết, mỗi năm trên địa bàn huyện diễn ra khoảng 50 buổi biểu diễn văn hóa, VNQC với kinh phí XHH trung bình từ 10 – 50 triệu đồng/buổi. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã có gần 10 chương trình VNQC với nguồn kinh phí XHH trên 300 triệu đồng. Nổi bật như tại khai mạc Lễ hội xuân Bản Chu, xã Khuất Xá vào ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão 2023, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện đã vận động hàng trăm hội viên các đội văn hóa, VNQC tham gia với số tiền XHH lên đến gần 100 triệu đồng…
Từ những cách làm thiết thực, công tác XHH đã tạo nguồn lực quan trọng để duy trì, thúc đẩy, nâng chất lượng hoạt động văn hóa, VNQC trên địa bàn huyện và khẳng định được thành công ở quy mô rộng lớn hơn. Minh chứng là trong 3 năm trở lại đây, tại các cuộc thi cấp tỉnh, đoàn VNQC huyện Lộc Bình đều được xếp trong tốp 3 giải cao nhất. Tiêu biểu là đạt giải đặc biệt phần trình diễn trang phục dân tộc Dao tại Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống và hát dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022; giải nhì tại Liên hoan VNQC người cao tuổi tỉnh lần thứ X năm 2022; giải nhì hội thi múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn năm 2022…
Ý kiến ()