Lộc Bình đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn
LSO-Toàn huyện Lộc Bình hiện còn 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 4 xã biên giới có hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa, nước sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn.
LSO-Toàn huyện Lộc Bình hiện còn 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 4 xã biên giới có hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa, nước sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Do vậy, công tác huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn miền núi, biên giới được huyện đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Trong 8 tháng đầu năm 2013, bằng nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, cộng với sự tham gia tích cực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu vực nông thôn của huyện Lộc Bình đã được tăng cường đáng kể.
![]() |
Bà con nhân dân xã Sàn Viên góp công làm đường bê tông vào Trường Tiểu học xã Sàn Viên |
Trong số trên 30 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư phát triển do huyện quản lý năm 2013, huyện đã phân bổ cho trên 50 danh mục công trình tại các khu vực nông thôn. Cụ thể như chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững (chương trình 135 giai đoạn 3 năm 2013), có 28 công trình khởi công mới. Trong đó huyện ưu tiên vốn cho các công trình phục vụ trực tiếp tới đời sống dân sinh như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng. Các công trình có nguồn đầu tư lớn thuộc chương trình 135 như công trình đường bê tông thôn Trà Ký, xã Mẫu Sơn có tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng, nước sinh hoạt thôn Thài Nhì và thôn Pác Sàn, xã Xuân Dương có tổng mức đầu tư gần 1,1 tỷ đồng hay công trình cầu Pác Thàn, xã Hữu Lân đầu tư 800 triệu đồng… đang được các nhà thầu tập trung triển khai thi công xây lắp, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2013.
Đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ xi măng giao thông nông thôn theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 8 tháng đầu năm 2013, các xã trên địa bàn huyện Lộc Bình đã làm mới được trên 10 km đường giao thông tới các thôn bản, sử dụng trên 1 tấn xi măng do nhà nước hỗ trợ. Trong đó, nguồn lực do bà con đóng góp đạt 9 nghìn ngày công lao động và gần 600 triệu đồng để thực hiện chương trình. Ông Hoàng Vĩnh Hưng, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lộc Bình cho biết, mặc dù năm 2013 tình hình khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn gặp không ít khó khăn, sản lượng khai thác cát sỏi tại chỗ giảm đáng kể so với năm 2012, nhưng do duy trì tốt phong trào làm đường bê tông nông thôn, theo phương thức nhà nước hỗ trợ và nhân dân tự làm, kế hoạch bê tông hóa các tuyến đường thôn, bản vẫn đạt và vượt chỉ tiêu. Nhiều xã không có khả năng tự bảo đảm vật liệu tại chỗ, bà con chủ động đóng góp hàng chục triệu đồng tiền mặt để mua cát đá làm đường giao thông như xã Yên Khoái, Hiệp Hạ…
Cũng trong 8 tháng đầu năm, công tác huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp cho phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn và có quan hệ hợp tác làm ăn tại Lộc Bình đã đóng góp hàng trăm triệu đồng và nhiều vật liệu để làm các tuyến đường bê tông xi măng tại các xã khó khăn, như Công ty Than Na Dương, Công ty Nhiệt điện Na Dương, Mỏ đá Giang Sơn, huyện Cao Lộc. Công trình đường bê tông xi măng dài trên 300 m, rộng 3,5 m trị giá trên 200 triệu đồng vào Trường Tiểu học xã Sàn Viên do Công ty Nhiệt điện Na Dương và Công ty Than Na Dương là một ví dụ điển hình. Ông Hà Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Sàn Viên cho biết, Sàn Viên hiện còn 4 thôn đặc biệt khó khăn, hệ thống đường giao thông trong xã chậm phát triển, sự kiện các doanh nghiệp hỗ trợ làm đường vào trường tiểu học dù kinh phí không lớn nhưng nó như một “cú hích” để thức tỉnh nhân dân trong xã đẩy mạnh thực hiện chương trình bê tông hóa đường làng ngõ xóm theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
CÔNG QUÂN

Ý kiến ()