Lộc Bình: Chuyển biến trong công tác dân vận chính quyền
(LSO) – Xác định tầm quan trọng của công tác dân vận chính quyền, ngày 1/8/2014, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Lộc Bình ban hành Chỉ thị số 14-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận chính quyền (gọi tắt là Chỉ thị 14). Sau 5 năm triển khai thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đã có nhiều chuyển biến sâu sắc về nhận thức; ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Thực hiện Nghị quyết 25, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, BTV Huyện ủy chủ động ban hành Chỉ thị 14. Ông Vi Văn Thái, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Ngay sau khi chỉ thị được ban hành, Ban Dân vận tham mưu cho Huyện ủy ban hành các văn bản, hướng dẫn, kế hoạch… đôn đốc các đơn vị thực hiện. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy: hằng năm, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đều triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền. Nội dung là thực hiện trọng tâm những vấn đề mà Chỉ thị 14 đã nêu như: sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác đối thoại, tiếp công dân; thực hiện công tác dân vận gắn với cải cách hành chính và xây dựng chính quyền; công tác dân vận chính quyền trong tham gia xây dựng nông thôn mới…
Cán bộ thị trấn Lộc Bình hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính
Một trong những nội dung mà cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả, đó chính là công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác đối thoại, tiếp công dân. Như ở xã Đồng Bục, hằng tháng Đảng ủy chỉ đạo, theo dõi sát sao lịch tiếp công dân đã ban hành đảm bảo các buổi tiếp công dân được tổ chức thường xuyên và tuân thủ đúng quy định. Trong một tháng, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tham gia tiếp công dân vào những ngày cố định, nếu trùng ngày nghỉ thì tiếp vào ngày làm việc tiếp theo.
Ông Bùi Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trong tiếp công dân, đảng ủy chỉ đạo cán bộ, công chức phải có thái độ đúng mực trong cung cách làm việc, đồng thời bố trí địa điểm, tạo thuận lợi cho người dân đến làm việc. Thông qua các buổi tiếp công dân, đội ngũ lãnh đạo cơ sở tiếp thu ý kiến, từ đó có phương hướng, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn.
Không chỉ Đồng Bục, các đơn vị khác trên địa bàn huyện luôn thực hiện nghiêm túc công tác này. Từ năm 2014 đến nay, các cấp trên địa bàn huyện đã tiếp công dân thường xuyên, đột xuất được 3.307 lượt/2.397 vụ. Nội dung công dân phản ánh tại các buổi tiếp chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, tình hình an ninh trật tự…
Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác dân vận gắn với cải cách hành chính và xây dựng chính quyền cũng được quan tâm thực hiện. Theo đó, cấp ủy các cấp chỉ đạo UBND các cấp thường xuyên rà soát kịp thời về thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bỏ sung, hủy bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, xem xét đề xuất của chính quyền và có chỉ đạo kịp thời. Nếu như năm 2015, tổng số ở cả 2 cấp là 489 thủ tục hành chính thì đến năm 2019 giảm xuống còn 371 thủ tục.
Để thái độ, tinh thần phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, cấp ủy các cấp chỉ đạo cán bộ, công chức, đặc biệt là cấp xã không ngừng trau dồi, rèn luyện để hướng tới sự hài lòng cho người dân. Ngoài ra phải kể đến việc đôn đốc, cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao trình độ… Do đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng lên. Anh Nguyễn Minh Sơn, thị trấn Lộc Bình cho biết: So với những năm trước, tôi thấy cung cách phục vụ của cán bộ đã thay đổi nhiều, cán bộ tận tình hướng dẫn người dân hơn, không làm khó hay có thái độ không phải với người dân. Đến làm thủ tục, tôi được hướng dẫn giải quyết nhanh chóng nên rất hài lòng.
Xác định công tác dân vận là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể của huyện chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương. Trong quá trình vận động nêu cao vai trò của người đứng đầu, tính gương mẫu của đảng viên… từ đó lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, nhân dân toàn huyện đóng góp được khoảng 4 tỷ đồng, hơn 20 nghìn ngày công lao động, hiến hơn 2 nghìn mét vuông đất… để xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, huyện đã có 5/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Qua một thời gian thực hiện, Chỉ thị đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ. Như năm 2018, Huyện ủy có 9/10 nhiệm vụ được đánh giá hoàn thành tốt trở lên; năm 2019 có 9/9 nhiệm vụ được đánh giá hoàn thành tốt trở lên. Từ đó, tạo sự thống nhất tư tưởng, đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ý kiến ()